Xuất bản thông tin
Đường thủy phía Bắc mới chỉ bắt đầu vào mùa nước cạn, nhưng đã gây nhiều khó khăn cho phương tiện thủy lưu thông, nhiều tàu lớn mắc cạn giữa lòng sông.
Vào mùa nước cạn, phương tiện chở quá tải sẽ dễ bị mắc cạn. |
Chở "dầm" dễ mắc cạn
Những ngày đầu tháng 11/2015, thị sát trên tuyến sông Kinh Thầy đoạn qua xã Lê Ninh, Kinh Môn (Hải Dương), PV Báo Giao thông chứng kiến hai chiếc tàu chở hàng loại trên dưới 1.000 tấn bị mắc cạn và quay ngang giữa sông. Đây cũng là đoạn sông bị khan cạn và đang thực hiện nạo vét để đảm bảo giao thông mùa cạn.
Theo người lái đò tại bến An Bình, tàu trọng tải lớn, mớn nước sâu quen chở "dầm" (quá mớn, quá tải) dễ bị vướng vào bãi cạn, khi đó buộc phải đợi con nước lên mới đi được. Còn theo các đơn vị quản lý đường thủy, tuy mới vào đầu mùa cạn nhưng hiện tượng phương tiện trọng tải lớn bị mắc cạn đã bắt đầu "nóng", nguyên nhân do xuất hiện bãi cạn mới hoặc phương tiện trọng tải lớn đi vào luồng nhỏ (cấp kỹ thuật thiết kế nhỏ hơn thiết kế phương tiện).
Ông Trương Quốc Dũng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Đa Phúc (Thái Nguyên) cho biết, tại đoạn sông Công nơi gầm cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, phương tiện rất hay bị mắc cạn, gây cản trở giao thông. Lý do thời gian gần đây dòng chảy bị bồi lắng và cũng do cấp kỹ thuật của luồng chỉ đảm bảo độ sâu 2,8 m, trong khi một số tàu có mớn nước lên đến 3,97 m đi vào. Cùng đó, trên trụ cầu không kẻ thước đo nước ngược như quy định, khiến lái tàu khó biết được mực nước.
Còn trên sông Hồng, mới đây Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cử người khảo sát khu vực cạn "truyền thống" Trung Châu - Cao Đại và đã cho cắm biển báo phân luồng giao thông. Ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, hiện vào đầu mùa cạn, diễn biến thay đổi luồng ở đoạn này xảy ra rất nhanh, nếu phương tiện có trọng tải lớn và chở quá tải dễ bị mắc cạn.
Tương tự, tại khu vực Hải Phòng, theo thống kê của Công ty CP Quản lý đường sông số 8, hàng loạt khu vực cạn đã xuất hiện và một số bãi cạn cần nạo vét như: Ngã ba xi măng sông Đào Hạ Lý, ngã ba sông Ruột Lợn và sông Cấm, ngã ba sông Đào Hạ Lý và Lạch Tray, Km2 sông Phi Liệt, Km 49 sông Lạch Tray, Km0 - Km10 sông Uông Bí…
Sớm điều tiết, nạo vét luồng đảm bảo giao thông
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, từ cuối tháng 10 hàng năm là đường thủy phía Bắc bước vào mùa nước cạn, trong đó có những vị trí năm nào cũng cạn và được bố trí điều tiết giao thông thường xuyên như: Km 11, Km 44 sông Lô, kênh Quần Liêu, sông Đào Hạ Lý. Cùng đó, do diễn biến thủy văn cũng xuất hiện thêm một số vị trí cạn mới, cần phải nạo vét hoặc điều tiết giao thông. Có những đoạn cạn đã hoặc sẽ được đưa vào danh sách dự án nạo vét tận thu theo hình thức xã hội hóa đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Hiện không có quy định cấm phương tiện to đi vào luồng nhỏ nên ngành Đường thủy cũng chỉ có thể tuyên truyền, khuyến cáo người điều khiển phương tiện phòng ngừa TNGT trong mùa cạn và thực hiện điều chỉnh phao tiêu, báo hiệu phù hợp với thực tế luồng chạy tàu". Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam |
"Cục đã chỉ đạo các Chi cục đường thủy thống kê, nắm thông tin các luồng tuyến có bãi cạn và kịp thời điều chỉnh phao tiêu, báo hiệu giao thông cho phù hợp. Đây cũng là phương án ưu tiên vì có chi phí rẻ hơn so với nạo vét đảm bảo giao thông", ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Ông Thọ cũng thừa nhận đang tồn tại bất cập trên nhiều tuyến đường thủy, cấp kỹ thuật chỉ đáp ứng cho phương tiện có trọng tải nhất định, nhưng thực tế tàu to hơn vẫn lưu thông. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc cạn khi nước xuống thấp trong thời gian dài, nhất là trong khoảng thời gian tháng 1-2 là đỉnh điểm của khan cạn.
Theo Báo Giao thông
New articles
- Kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, công bố hoạt động khai thác bến thuỷ nội địa trên đường thuỷ nội địa quốc gia tại Sở GTVT thành phố Cần Thơ
- Hội nghị ban công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Quý IV/2024
- Công điện KHẨN tập trung ứng phó với bão số 4 trên biển Đông
- Danh sách vị trí hạn chế luồng trên ĐTNĐ quốc gia bảo vệ công trình cầu
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ người dân bị ảnh hưởng của bão Yagi