Xuất bản thông tin
Sau 2 năm mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển (SB) đã có hơn 900 doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa với mức tăng trưởng hơn 2,5 lần.
Tàu SB chờ chuyển tải hàng hóa sang tàu biển tại khu vực Hòn Nét, Quảng Ninh - Ảnh: Huy Lộc |
Do lợi thế giá cước vận tải chỉ bằng 1/4 đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT quyết tiếp tục tháo gỡ khó khăn để tạo đột phá lớn tuyến vận tải ven biển này.
Hơn 900 doanh nghiệp tham gia
Sau 2 năm tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển (SB) chính thức hoạt động, số lượng doanh nghiệp vận tải tham gia đã tăng nhanh chóng, giúp giảm tải cho đường bộ và hạ giá thành vận tải. Là một trong những đơn vị tham gia tuyến từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Sức, Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Minh ở Hải Dương cho biết, trước đây công ty có 2 tàu biển, nhưng mới đây đã đầu tư thêm nhiều tàu SB tham gia tuyến. Các tàu thường xuyên vận chuyển cọc bê tông, than, xi măng từ Hải Phòng, Quảng Ninh vào miền Trung, miền Nam.
"Giá cước phụ thuộc vào chủng loại hàng hóa, cung đường, cảng... nhưng thường chỉ bằng 1/4 so với đường bộ. Năm nay giá vận tải trên tuyến SB cũng giảm khoảng 10% so với năm trước", ông Sức nói và dẫn ví dụ, mặt hàng cọc bê tông, nếu chở bằng tàu 1.000 tấn từ Hải Phòng vào Thanh Hóa giá khoảng 100-110 triệu đồng; hàng than vào miền Trung, miền Nam khoảng 180.000 - 200.000 đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với đường bộ. Nguồn hàng hóa trên tuyến này khá đều. So với đường bộ, vận chuyển bằng tàu SB rất hiệu quả, nhất là những cung đường xa.
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, ngành Đường thủy đã thí điểm cấp phép vào, rời cảng bến bằng tin nhắn điện thoại. Thế nhưng, doanh nghiệp cũng không thực hiện được, lại nhờ cảng vụ làm. Về lâu dài, doanh nghiệp cần có kế hoạch nâng chất lượng nhân lực, cùng cơ quan quản lý triển khai tốt các công việc chung. |
Đại diện Công ty CP Vận tải Tân Cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ khi có tuyến ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, doanh nghiệp đã đầu tư tàu chuyên chở container từ phía Bắc vào Sài Gòn. Mới đây, khi kênh Quan Chánh Bố được Bộ GTVT thí điểm cho tàu có trọng tải 10.000 tấn lưu thông vào các cảng trên sông Hậu, doanh nghiệp tiếp tục tham gia chặng vận tải này và kết nối với tuyến vận tải ven biển.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải hào hứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lựa chọn tuyến vận tải ven biển để thay cho đường bộ.
Ông Phạm Hiếu Thu, đại diện một nhà máy xi măng ở Quảng Bình cho biết, doanh nghiệp đã chọn phương thức vận tải bằng tàu SB luồng qua cửa sông Gianh và mong tuyến này sớm được đầu tư, nâng cấp chạy cả ban đêm, để giá thành hàng hóa được rẻ hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT), khi mở chặng đầu tiên Quảng Ninh - Quảng Bình vào tháng 7/2014, mới chỉ có gần chục phương tiện, nhưng đến tháng 10/2016 đã lên đến 1.002 phương tiện, với hơn 900 đơn vị vận tải tham gia. Trong đó, ngoài tàu chở hàng rời, trên tuyến đã có 32 tàu chuyên chở container và đội tàu container đang tiếp tục có sự tăng trưởng.
Cũng theo ông Thủy, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến đã đạt mức hơn 23,7 triệu tấn. Riêng 10 tháng đầu năm 2016, lượng hàng hóa được vận chuyển đạt hơn 15,2 triệu tấn, tăng hơn 9,2 triệu tấn (254%) so với cùng kỳ năm trước. Ở phía Bắc và miền Trung, các mặt hàng được vận chuyển bằng tàu SB chủ yếu là vật liệu xây dựng, than, máy móc, xi măng, xăng dầu, nguyên phụ liệu phục vụ các nhà máy xi măng; phía Nam, từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Kiên Giang là gạo, gỗ, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng không để xảy ra quy định chồng chéo giữa hàng hải và đường thủy về tàu SB |
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Chủ trương mở tuyến vận tải ven biển đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp vận tải thủy. Tuy vậy, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai tuyến do Bộ GTVT tổ chức ngày 12/12, hàng chục doanh nghiệp vẫn cho rằng, hiện tuyến vận tải sôi động này vẫn còn một số bất cập chậm được tháo gỡ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Văn Hán và đại diện doanh nghiệp vận tải tại Nam Định, Hải Dương cho biết, đang rất thiếu thuyền viên làm việc trên tàu SB, có những tàu mới đóng xong nhưng do thiếu thuyền viên phải nằm bờ. "Doanh nghiệp thiếu nhân lực, nhưng bất cập là người đã có bằng thuyền trưởng tàu biển không được "chuyển thẳng" sang làm việc trên tàu SB mà phải đi học thêm về đường thủy. Thuyền trưởng tàu biển được điều khiển tàu đến 500GT khi chuyển sang tàu SB chỉ được điều khiển loại có trọng tải thấp hơn", ông Hán thắc mắc. Mặt khác, quy định số lượng (định biên) thuyền viên tối thiểu trên tàu SB là 9 người, nhiều hơn cả tàu biển (8 người), gây chi phí tốn kém cho doanh nghiệp.
Liên quan vấn đề trên, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã có hướng tháo gỡ. "Trong tuần này, Cục sẽ trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi hai thông tư quy định về đào tạo thuyền viên và về định biên tối thiểu thuyền viên làm việc trên tàu SB. Trong đó, để giải quyết vấn đề thuyền viên, sẽ cho phép thuyền trưởng hạng 2 được điều khiển tàu đến 1.000 tấn, thay vì 500 tấn như hiện nay", ông Giang nói và cho biết, người có bằng thuyền trưởng tàu biển chuyển sang tàu SB không cần phải học thêm, mà chỉ cần thi một số câu trắc nghiệm về giao thông đường thủy là được cấp bằng. Người có bằng đường thủy sẽ chỉ phải học 150 tiết của 3 môn học là được thi chuyển sang bằng làm việc trên tàu SB.
Một vấn đề khác cũng tiếp tục được doanh nghiệp đề nghị gỡ bỏ là quy định tàu SB phải có hoa tiêu, lai dắt như tàu biển. Theo Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng, để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, Cục đã trình Bộ GTVT sửa đổi quy định về hoa tiêu dẫn tàu, trong đó khuyến khích chủ tàu tự lai dắt phương tiện trong vùng nước buộc phải lai dắt.
Loại bỏ mọi rào cản
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn trong vận tải ven biển, Vụ Vận tải cho biết, từ khi mở tuyến đến nay đã xảy ra 10 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến tàu VR-SB. Trong đó có 3 tàu bị đắm, 5 tàu bị mắc cạn và 2 tàu gặp sự cố. Các trường hợp tai nạn được Trung tâm cứu nạn hàng hải, lực lượng chức năng liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân chính do phương tiện gặp sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết xấu, phương tiện đi sai luồng tuyến được công bố... Theo Phó cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Hoàng, đây là vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy bên cạnh việc ngành Hàng hải tăng cường tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ các thiết bị định vị, liên lạc, chất lượng phương tiện và tuân thủ các quy định về an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, các thủ tục giữa hàng hải và đường thủy phải được hợp nhất, đưa ra quy định chung nhất, tránh gây rào cản, bất cập cho doanh nghiệp, đồng thời quan tâm hơn đến an toàn, cứu hộ, cứu nạn. "Các Cục Hàng hải, Đường thủy, Đăng kiểm cần rà soát, nghiên cứu lại quy hoạch đội tàu để có định hướng phát triển, tránh phát triển tự phát, gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Phải tính đến hướng kết nối vận tải thủy, vận tải ven biển với các nước như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc", Thứ trưởng Thọ nói.
Huy Lộc
New articles
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương
- Cục ĐTNĐ Việt Nam tham gia đoàn công tác do đồng chí Trần Hồng Minh - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình triển khai thi công xây dựng dự án cao tốc Hậu Giang- Cà Mau- đoạn cao tốc cuối cùng trên trục cao tốc bắc Nam
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028