Xuất bản thông tin
Cơ chế đặc thù kết nối sắt - thủy
Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) là doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi từ những cơ chế mang tính đột phá về huy động vốn để phát triển hạ tầng khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã đồng ý việc nhượng quyền khai khác đường thủy, đường sắt tuyến Lào Cai – Hải Phòng cho nhà đầu tư tư nhân này.
Các đơn vị thi công đang nạo vét luồng trên kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Anh Minh |
Cụ thể, Bộ GTVT vừa đồng ý thí điểm chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác đường thủy các tuyến sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Hồng (đến Việt Trì) và quyền khai thác vận tải đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cho Vivaso, nhằm tạo sự chủ động kết nối tốt nhất giữa vận tải thủy và đường sắt trên tuyến Lào Cai đi Hải Phòng. Ngoài vận tải, quyền khai thác đối với các tuyến sông mà doanh nghiệp được nhận còn gồm cả nạo vét đảm bảo luồng và nạo vét duy tu hàng năm…
Đồng thời, Bộ GTVT cũng giao Tổng công ty vừa tiến hành cổ phần hóa với phần vốn nhà nước chỉ còn chiếm dưới 49% này được làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống (sông Đuống) để giải quyết vấn đề tàu thuyền bị cản trở lưu thông do tĩnh không cầu Đuống quá thấp như hiện nay.
"Để hoàn vốn cho dự án xây dựng cầu Đuống, cho phép nhà đầu tư nghiên cứu thu các loại phí liên quan mà dự án này mang lại lợi ích", Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vivaso cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển vận tải thủy từ Lào Cai đến Hải Phòng là sự đứt đoạn trong kết nối giữa đường thủy và đường sắt. Vì thế, nên dù giá thành vận tải thủy chỉ bằng 1/10 so với đường bộ, nhưng vẫn khó cạnh tranh.
Ngoài tuyến đường thủy phía Bắc, hiện Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị Dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) tới cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hình thức BOT. Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án gần 1.008 tỷ đồng, trong đó chỉ có 156 tỷ đồng để phục vụ giải phóng mặt bằng là do ngân sách TP.HCM đảm trách.
Được biết, để giải nút thắt đối với công trình BOT luồng, tại Dự án này, Bộ GTVT đề xuất với Bộ Tài chính cho phép dùng các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến (từ cầu Bình Lợi đến đập Dầu Tiếng) là cơ quan thu phí. Số phí thu được, ngoài phần chi cho công tác thu phí, số còn lại sẽ được chuyển cho nhà đầu tư để hoàn vốn cho Dự án trong thời gian khoảng 23 năm.
Tiếp tục gọi vốn cho 45 dự án đường thủy
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa phê duyệt Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, Bộ GTVT sẽ huy động 12.663 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách cho 45 dự án hạ tầng đường thủy có tổng mức đầu tư khoảng 15.790 tỷ đồng.
Ngay trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ thí điểm gọi vốn BOT cho 2 dự án cải tạo luồng đường thủy nội địa là: Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và tuyến vận tải trên sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc.
"Nếu hai dự án tiên phong này được triển khai sẽ mở ra cơ hội làm sống lại các tuyến, luồng thủy nội địa nhờ vào dòng vốn xã hội hóa theo hình thức BOT", lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định.
Các dự án hạ tầng đường thủy khác được đánh giá nhiều tiềm năng là Nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái; Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông (đoạn từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông); Tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt - cầu Đuống); luồng cửa Đáy, cửa Trà Lý, cửa Cổ Chiên; xây dựng các cảng container Phù Đổng, Long Bình, Khuyến Lương; Sa Đéc...
Để hoàn vốn, đối với các dự án xây dựng, cải tạo tuyến luồng; đường kết nối cảng, bến thủy nội địa, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn hoặc kết hợp hình thức tận thu sản phẩm nạo vét (cát, sỏi) và thu phí. Nhà nước cam kết hỗ trợ trong trường hợp không hoàn được vốn đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính đối với các dự án.
Liên quan tới các giải pháp thu phí, Bộ GTVT xác định sẽ không thu phí đối với các phương tiện loại nhỏ (có trọng tải toàn phần dưới 15 tấn); khuyến khích vé hợp đồng, vé tháng, vé quý, vé năm đối với các tổ chức, cá nhân có phương tiện vận tải thường xuyên.
Đối với các dự án cảng, bến và đường kết nối, Bộ GTVT cho phép thu phí tại chỗ. Các dự án luồng 1 cửa (các đoạn sông mà phương tiện chỉ vào duy nhất 1 cửa) sẽ lập trạm thu phí hoặc kết hợp với cảng vụ để thu phí hoàn vốn và các phương thức thu phí khác; đối với các dự án tuyến luồng từ hai cửa trở lên, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư được lập trạm tại các cửa để thu phí, hoặc sử dụng các phương thức thu phí hợp lý khác.
Hiện Bộ GTVT giao Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư chủ trì theo dõi việc triển khai đề án, trong đó có việc tổ chức lập đề xuất, danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư.
New articles
- Đoàn công tác của Cục ĐTNĐ Việt Nam họp song phương với đối tác Mê Công – Lan Thương trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ ký thuật Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công – Lan Thương về vận tải đường thủy tại Thái Lan
- Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT Hà Nội đảm bảo an toàn giao thông đường thủy
- Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ sau bão số 3
- Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp công tác tìm kiếm cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu