Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Mô hình thủy điện kết hợp âu tàu ở châu Âu ít hiệu quả
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Do thủy điện mực nước thấp nên không hiệu quả về mặt phát điện.

IMG_4348

Một âu tàu ở châu Âu (Ảnh internet)

Trước thông tin Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á kết hợp thuỷ điện trên sông Hồng đoạn Việt Trì- Lào Cai đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Hoàng Hồng Giang- Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, việc nhà đầu tư đề xuất dự án nhằm mục tiêu phát triển giao thông đường thủy kết nối từ biên giới đến cửa biển là tốt.

Đây là tuyến sông có độ dốc cao, từ trước đến nay chưa ai khai thác được. Tuy nhiên, do đây là dự án đa mục tiêu, không chỉ về giao thông mà còn liên quan đến tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, thủy điện… nên cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Là người có kinh nghiệm sống, làm việc ở châu Âu, ông Giang cũng cho biết, mô hình đập thủy điện kết hợp âu tàu thủy đã có ở châu Âu, nhưng hiệu quả thực tế của nhiều thủy điện loại này rất thấp, có khi chủ đủ điện để vận hành máy móc phục vụ việc đưa tàu thuyền qua âu.

"Dự án này phải nghiên cứu kỹ, vì các đập không khác gì nhà máy thủy điện, chỉ khác là ở chân đập có âu tích nước để nâng tàu lên và đi qua. Châu Âu đã có mô hình này nhưng phát điện không mang lại hiệu quả về phát điện vì là nhà máy phát điện mực nước thấp. Ở nước Bỉ có vài đập thủy điện nhưng lượng điện phát chỉ đủ để đưa tàu qua. Còn ở dự án đang được đề xuất không rõ nhà đầu tư tính toán thế nào"- ông Giang cho biết.

Liên quan đến vấn đề 7 cảng mà nhà đầu tư đề xuất, ông Giang cho biết các cảng trên mới được nêu tên nên cũng chưa thể xác định được vị trí có nằm trong quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa hay không.

Như Báo Giao thông đã thông tin, dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện (thành viên Tập đoàn ThaiGroup) đề xuất đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp tổng 912 triệu kWh điện/năm.

Tổng mức đầu tư ước tính 24.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại, với lãi suất vay nội tệ là 9%/năm và lãi suất vay ngoại tệ là 4%/năm.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhà đầu tư đã nghiên cứu đại dự án này từ hơn chục năm nay. Nhà đầu tư cũng từng đề xuất dự án này với Bộ GTVT và tại cuộc họp gần nhất là tháng 11/2015, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của nhà đầu tư, đồng thời đánh giá dự án có tính chất đặc biệt nên phải xin chấp thuận chủ trương của Chính phủ ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Báo Giao thông

Quay lại