Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa ĐBSCL
Từ khóa Xem với cỡ chữ

(AGO) - ĐBSCL có 2.510 cảng và bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa, trên 229.300 phương tiện vận tải thủy nội địa, chiếm 82% tổng số phương tiện vận tải thủy nội địa cả nước. Tuy nhiên, số phương tiện trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên chỉ khoảng 1.100 chiếc nhưng phải đảm nhận vai trò vận tải trên 85% tổng lượng hàng hóa của vùng.  

 

Nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đặt vấn đề với Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT), điểm yếu của ĐBSCL là hệ thống giao thông đường bộ phát triển chưa đồng bộ, trong khi đường thủy thuận lợi nhưng các bến cảng, cầu cảng chưa được đầu tư đúng mức làm hạn chế vận tải của các tàu có tải trọng lớn. Một số tuyến đường thủy chính thì luồng lạch cạn, cầu thấp nên tàu thuyền, sà lan lớn không thể qua, khiến lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế khu vực này chậm. Hàng hóa nông sản, thủy sản xuất khẩu phải vận chuyển tập kết đến các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; vận chuyển hàng hóa từ các nơi về ĐBSCL bằng phương tiện nhỏ lẻ nên chi phí vận tải cao. Giao thông không thuận lợi khiến vùng ĐBSCL kém phát triển hơn so với các khu vực, một số vùng, miền trong nước.

02t8.jpg

Tàu nhỏ, chi phí vận chuyển cao, hàng hóa mất lợi thế cạnh tranh.

ĐBSCL có lợi thế phát triển sản xuất lương thực, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, dịch vụ và du lịch sông nước. Thế mạnh sản xuất lương thực mỗi năm trên 22 triệu tấn lúa, hơn 3 triệu tấn trái cây, 4 triệu tấn hoa màu, 5 triệu tấn mía đường… đóng góp sản lượng gạo xuất khẩu 90% và thủy sản 70% cả nước.  

Theo Vụ Vận tải (Bộ GT-VT), sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải đường thủy và đường bộ trong vùng chưa đồng bộ, hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thực sự thuận lợi. Các tuyến vận tải thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác các phương tiện tàu vận tải có tải trọng lớn và tốc độ cao, hệ thống bến bãi, các dịch vụ đầu và cuối chưa phát triển làm cho vận tải thủy chưa phát huy được lợi thế vùng sông nước. Hệ thống bến bãi chưa quy mô, cơ sở vật chất chưa được cơ giới đáp ứng các loại hình vận tải đa phương thức, cảng biển chưa có đường sắt kết nối... 

Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Phạm Minh Nghĩa chia sẻ: Tàu lớn chở được nhiều hàng hóa thì chi phí vận tải thấp, giá thành hàng hóa cạnh tranh tốt cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ĐBSCL có khoảng 5.000km sông, kênh, rạch cho phép các phương tiện vận tải từ 100 tấn trở lên đi lại dễ dàng. Trong khi các đường tàu biển vướng bãi bồi, rừng ngập mặn, sình lầy và không có các vũng, vịnh sâu phù hợp để xây dựng cảng biển. Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị Bộ GT-VT và Chính phủ nghiên cứu cho xây dựng các cảng sâu nội địa dọc sông Mê Kông (sông Tiền và sông Hậu-PV), bởi hai tuyến vận tải thủy nội địa sông Tiền và sông Hậu (đoạn An Giang tiếp giáp Campuchia) xuôi xuống các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đổ ra biển đều đạt tiêu chuẩn cấp I thủy nội địa, đáp ứng được các tàu vận tải với tải trọng hàng nghìn tấn hàng hóa.

An Giang được đánh giá có lợi thế vận tải thủy nội địa nhất vùng ĐBSCL, bởi sông Tiền và sông Hậu đạt tiêu chuẩn cấp I vận tải thủy nội địa. Là tỉnh tiếp giáp biên giới Campuchia, có cảng sông Hậu Mỹ Thới và Bình Long, vị trí  cách TP. Cần Thơ khoảng 60km và trung tâm TP. Hồ Chí Minh hơn 200km. Vì vậy, nhiều năm qua, địa phương có lợi thế vận tải, tiêu thụ hàng hóa tốt, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu, dịch vụ và du lịch sông nước, thu hút đầu tư… Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở GT-VT An Giang nói: Vận tải thủy nội địa từ An Giang đi các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh hiệu quả kinh tế cao nhờ hệ thống sông, kênh, rạch, nhất là sông Tiền và sông Hậu lưu thông được tàu thuyền, sà lan vận tải lớn, chi phí vận tải hàng hóa thấp, giá thành cạnh tranh và ít rủi ro. Hiện tại, Sở GT-VT đang quản lý trên 19.000 phương tiện thủy nội địa các loại và mỗi năm tăng thêm trên 100 phương tiện, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa trên 6 triệu tấn/năm, đạt tổng doanh thu trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiềm năng vận tải đường thủy nội địa của An Giang vẫn chưa khai thác hết, bởi còn nhiều hạn chế và cần được Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát huy và khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế cho vùng. Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng Sài Gòn đề xuất: Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cầu cảng, nạo vét các luồng lạch, thay thế các cầu đường bộ đảm bảo độ thông thuyền và tĩnh không phù hợp tiêu chuẩn đường thủy. Nghiên cứu các phương thức, loại hình vận tải container đường thủy nội địa từ ĐBSCL đến các cảng TP.HCM và miền Đông Nam Bộ…

Để khai thông lợi thế vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án, công trình đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng và đường thủy nội địa, tạo thuận lợi phát triển vận tải thủy nội địa ĐBSCL.

Theo Cục Đường thủy nội địa, giao thông thủy nội địa kết nối giữa ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM dựa vào hệ thống sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và các sông ngang kết nối khoảng 13.000 km sử dụng được cho tàu thuyền vận tải. Các tuyến sông từ TP. HCM về ĐBSCL đạt tiêu chuẩn cấp 3 và 4 thủy nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn là đoạn từ kênh Chợ Gạo qua sông Tiền hơn 27km, mặc dù đã được cải tạo nâng cấp nhưng mật độ phương tiện qua lại đông khiến nhiều lúc ách tắc hoặc dày đặc phương tiện. 

Theo baoangiang

Quay lại