Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Nghệ An: “Bí kíp” 10 năm không tai nạn đường thủy
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Nhờ những biện pháp mạnh và triển khai tốt các mô hình trong cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", đã 10 năm liền, Nghệ An không xảy ra vụ TNGT đường thủy nào.

16

Công an tỉnh Nghệ An thường xuyên phối kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, nhắc nhở, tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ tới các chủ phương tiện

Giao địa bàn cho từng cán bộ

10 năm trôi qua, Thiếu tá Võ Anh Toàn, Đội trưởng Đội Thủy đội (Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh Nghệ An) vẫn nhớ vụ chìm đò thương tâm xảy ra ngày 7/10/2006 làm 19 học sinh bị thiệt mạng và mất tích tại bến đò Chôm Lôm qua sông Cả (xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An). "Chuyến đò chở 30 em học sinh, 19 em bị nước cuốn trôi. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, cũng chỉ tìm được thi thể 14 em, 5 em còn lại đến giờ vẫn không thể tìm thấy. Vụ chìm đò ấy ám ảnh và luôn cảnh tỉnh chúng tôi phải nỗ lực đảm bảo TTATGT đường thủy", Thiếu tá Toàn nói.

6 tháng năm 2016, Phòng CSGT Đường thủy Nghệ An đã phát hiện và lập biên bản 518 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, trong đó, đình chỉ 16 phương tiện đò ngang không đảm bảo an toàn, 21 miệng đáy (thiết bị đánh bắt cá); Bắt, xử lý 26 đối tượng cùng các phương tiện khai thác cát sỏi trái phép…

Đại tá Phạm Đức Châu, Trưởng phòng CSGT Đường thủy Nghệ An cho biết, từ những trăn trở ấy, phòng đã quán triệt và nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy bằng cách phân tuyến, phân công địa bàn cho từng cá nhân. Mỗi cán bộ của phòng được giao phụ trách một huyện; Phải nắm chắc địa bàn mình quản lý, đặc tính các tuyến sông, dòng chảy, vị trí có nguy cơ mất an toàn để thường xuyên, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp khắc phục, đảm bảo TTATGT. Nếu tại địa bàn xảy ra TNGT, thì cán bộ phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm.

"Được giao trách nhiệm, từng cán bộ CSGT đã xuống tận bến đò, làng chài, tổ chức tập huấn chống đuối nước, sơ cấp cứu người bị nạn; Tuyên truyền cho các chủ đò, chủ phương tiện biết các quy định của pháp luật, trách nhiệm phải trang bị áo phao, dụng cụ nổi trên phương tiện, nhắc nhở khách lên đò phải mặc áo phao, ghe thuyền phải đăng ký, đăng kiểm định kỳ; Chủ phương tiện ký cam kết không chở quá người quy định, không đưa phương tiện rời bờ khi chưa đảm bảo an toàn…", Đại tá Châu nói.

Theo Đại tá Châu, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng đẩy mạnh công tác TTKS, xử lý vi phạm, nhất là các trường hợp phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn… "Riêng với những bến đò không an toàn, chúng tôi cương quyết đình chỉ hoạt động", Đại tá Châu khẳng định.

Những mô hình an toàn

Với 13 con sông, gần 82 km đường biển, 1.200 km đường sông, 300 hồ đập và 10 thủy điện lớn nhỏ, Nghệ An đã xây dựng nhiều mô hình đảm bảo TTATGT đường thủy thiết thực, điển hình như mô hình "Làng chài bình yên" ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh; Mô hình "Bến đò an toàn" tại bến đò Cung xã Cát Văn, Thanh Chương; "Bến đò kiểu mẫu" tại bến đò Phú Sơn (Tân Kỳ), bến đò Hoa Hải (Quỳ Châu), bến đò Phả Lại (Con Cuông); "Bến cảng an toàn Cảng Cửa Hội" (TX Cửa Lò)... Từ một vài bến đò, mô hình mẫu, đến nay, 23 bến đò ngang, 5 bến đò dọc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được công nhận bến đò an toàn.

Ông Đậu Xuân Thương, Xóm trưởng xóm vạn chài (Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh) đã sống và đánh bắt thủy sản trên sông Lam đã 30 năm nay. "Trước đây, chúng tôi không được trang bị áo phao, không có chứng chỉ chuyên môn, thuyền đò không được đăng ký, đăng kiểm… Từ khi CSGT đường thủy triển khai mô hình "Làng chài bình yên", tất cả 75 hộ dân ở xóm vạn chài Hòa Lam thường xuyên được tập huấn về ATGT đường thủy, được cấp áo phao, TNGT không còn xảy ra, chúng tôi cũng yên tâm hơn khi kiếm sống trên sông", ông Thương nói.

Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, sau vụ chìm đò ở Chôm Lôm, Ban ATGT tỉnh đã huy động nguồn lực xây dựng cầu treo tại các bến đò ngang sông, nơi có mật độ người tham gia giao thông cao; Chỉ đạo Ban ATGT địa phương phối hợp với CSGT đường thủy kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện và người lái; Tổ chức thanh thải chướng ngại vật, không cho khai thác cát bừa bãi làm thay đổi dòng chảy… Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh còn liên kết với UBND xã, các lực lượng chức năng tổ chức và phát triển tốt các mô hình đảm bảo ATGT sông nước để tạo sự lan tỏa về ý thức, trách nhiệm đảm bảo ATGT đường thủy trong cộng đồng.

"Đến nay, tất cả các bến đò, các làng chài ở Nghệ An đều đã được trang bị áo phao cứu sinh; Các lái thuyền được tập huấn ATGT và được cấp chứng chỉ chuyên môn, ghe thuyền được đăng ký, đăng kiểm...", ông Đức thông tin.

Theo Báo Giao thông

Quay lại