Xuất bản thông tin
Đứng trên cầu Đa Phúc nhìn từ xa đã thấy được cảnh lộn xộn của giao thông thủy nơi đây.
Phương tiện thường xuyên đậu đỗ tùy tiện trước các cảng, bến không phép trên sông Công, gây cản trở giao thông
Đứng trên cầu Đa Phúc bắc qua sông Công đoạn giáp ranh xã Trung Giã (QL2, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và xã Thuận Thành (TX Phổ Yên, Thái Nguyên) nhìn từ xa đã thấy được cảnh lộn xộn của giao thông thủy nơi đây. Bến cát, sỏi, lâm sản, nằm sát hành lang bảo vệ cầu đường bộ, đường sắt, còn dưới nước, phương tiện đậu đỗ tùy ý, bất chấp biển báo cấm đỗ.
Đi bằng đường thủy từ ngã ba sông Cầu vào sông Công càng cảm nhận rõ hơn sự nhức nhối của giao thông thủy. Nhiều phương tiện hàng nghìn tấn chở quặng sắt, than quá tải hoặc chở gỗ dăm cao ngút tầm làm hàng tại cảng, bến không phép. Dù không có phép, nhưng có cảng (điển hình như cảng C.C), rộng hàng chục nghìn m2, với tàu thuyền ra vào tấp nập mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Cũng tại những cảng, bến này, phương tiện thường xuyên neo đậu 2 - 3 hàng khiến lòng sông bị thu hẹp và xảy ra ùn tắc vào những thời điểm nước xuống thấp.
Được biết, cách đây hơn 10 năm, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tổ chức họp liên ngành, đề nghị ngành chức năng của Hà Nội, Thái Nguyên phối hợp để giải quyết tình trạng cảng, bến không phép khu vực trên. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này còn diễn biến phức tạp hơn.
Theo ông Trương Quốc Dũng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đường thủy nội địa Đa Phúc, tình trạng cảng, bến và phương tiện hoạt động không phép đã diễn ra hàng chục năm nay trải dài gần 10 km sông Công (đoạn giáp ranh Hà Nội - Thái Nguyên). Gần đây khi đường bộ siết chặt kiểm soát tải trọng, vận tải đường thủy tại các cảng bến nơi đây sôi động hơn và thường xảy ra ùn tắc, phao tiêu giới hạn luồng bị tàu đâm hỏng, trôi dạt, trụ cầu đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thi thoảng bị phương tiện đâm va. "Ngày 6/11, trên tuyến xảy ra vụ tàu chở gỗ dăm va quệt vào một phương tiện khác, rất may không gây ra hậu quả nghiêm trọng", ông Dũng nói.
Theo ông Lê Mạnh Cường, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II tại Thái Nguyên, trên đoạn sông này có 15 cụm, bến và có tới 5 cụm bến không phép, trong đó toàn bộ cụm bến bốc dỡ cát, sỏi thuộc xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) không có phép; Còn lại các bến lâm sản, quặng, xi măng không phép nằm xen kẽ với bến có phép.
Ông Cường cũng cho biết, lực lượng cảng vụ không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm tại bến không có phép nên thi thoảng chỉ tuyên truyền hoặc phối hợp với lực lượng TTGT để xử lý.
Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa