Xuất bản thông tin
Ngày 26-03-2015
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km với hệ thống hạ tầng cảng biển đang được đầu tư hiện đại nằm dọc theo chiều dài của đất nước, nối với 124 cửa sông đổ ra biển thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hệ thống cảng biển, cảng sông đóng vai trò là đầu mối tập trung, kết nối tất cả các phương thức vận tải sắt, sông, biển, bộ, góp phần giảm tải cho đường bộ và cơ cấu hợp lý lại các phương thức vận tải. Thực tế thời gian qua có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu vận tải hàng hóa giữa các phương thức, thị trường vận tải phát triển kết nối không hài hòa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đa số hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ đã khiến phí vận chuyển cao hơn so với vận chuyển bằng đường thủy, vì với một con tàu trọng tải khoảng 2.000 tấn tương đương với sức chở khoảng 70 xe ô tô tải hạng nặng chạy trên đường, nếu khai thác 10 con tàu hoạt động ven biển thì mật độ hoạt động của tàu gần như không đáng kể. Nhưng nếu sử dụng hàng trăm xe tải hạng nặng xếp hàng chạy trên đường bộ làm tăng mật độ lưu lượng giao thông trên đường bộ, mặt khác tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải đã làm mất an toàn giao thông, gây hư hỏng, giảm tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các hệ lụy khác là điều không thể tính toán hết được.
Khai trương tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh-Quảng Bình
Đây là cơ hội tốt để phát triển tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa từ các cửa sông, ven biển, cũng như phát triển hài hòa các phương thức vận tải, rất phù hợp với các tuyến vận tải cự ly ngắn, các tàu có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, đặc biệt là các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi, giảm giá thành vận tải, ngoài ra nó sẽ thúc đẩy cho việc phát triển kinh tế biển của các địa phương. Tuy nhiên, để vận chuyển trên tuyến ven biển thì tàu cần phải mang cấp VR-SB, trong khi đó một lượng tàu mang cấp VR-SI khoảng hơn 4.000 tàu, với lượng rất lớn có nhu cầu chuyển đổi sang cấp VR-SB để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa kết nối giữa các cảng thủy nội địa với các cảng biển.
Việc công bố tuyến vận tải ven biển cho các tàu cấp VR-SB với mục đích giảm tải cho đường bộ, đồng thời nâng cao hiệu quả của vận tải ven biển. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị nhanh chóng triển khai đối với tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, việc mở tuyến vận tải ven biển hoàn toàn phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Cơ sở vật chất gần như đã có sẵn, chỉ cần kết nối, công bố tuyến, bổ sung một số điều kiện về nâng cấp của tàu VR-SI lên VR-SB như bổ sung thêm máy móc, trang thiết bị cho tàu, tập huấn cấp chứng chỉ cho thuyền viên là có thể tham gia hoạt động vận tải trên tuyến.
Với các điều kiện thuận lợi như trên, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã được Bộ GTVT công bố tại Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014, tiếp theo tuyến vận tải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, ngày 05/9/2014 Bộ GTVT tiếp tục ban hành Quyết định số 3365/QĐ-BGTVT công bố tuyến vận tải ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, cùng với 02 tuyến vận tải ven biển đã được công bố, ngày 03/10/2014 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BGTVT về công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận, cho phép tàu mang cấp VR-SB được phép hoạt động trên toàn tuyến ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với khoảng cách so với bờ và nơi trú ẩn không quá 12 hải lý.
Có thể nói, kể từ khi công bố tuyến vận tải ven biển chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 7/2014 đã mang lại hiệu quả rất tích cực, Theo thống kê của các Cảng vụ Hàng hải, hàng hóa thông qua cảng biển sau 6 tháng đi vào hoạt động (từ tháng 7 đến hết tháng 12/2014) đạt gần 900.000 tấn với hơn 900 lượt tàu (tương đương với khoảng 30.000 lượt xe tải hạng nặng để chở khối lượng hàng hóa trên). Hàng hóa chủ yếu là nguyên vật liệu xây dựng, than, clinker, phụ gia xi măng, sắt thép, cọc bê tông, xăng dầu… khu vực hàng hóa được vận chuyển sôi động nhất từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, khu vực còn lại, các doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi phương tiện và phương thức vận chuyển. Với khoảng 20 tàu VR-SB được phê duyệt khi bắt đầu tham gia tuyến, đến nay lượng tàu VR-SB đã tăng lên trên 400 tàu, đặc biệt có tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, số lượng tàu này tiếp tục còn tăng, điều đó cho thấy tuyến vận tải ven biển đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, phù hợp với lợi thế là quốc gia có biển và bờ biển chạy dọc theo đất nước phát huy được tối đa các cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, đặc biệt là các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi.
Việc phát triển tuyến vận tải ven biển góp phần làm cho giá cước vận tải giảm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn. Đây là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các phương thức vận tải, tạo sân chơi bình đẳng, đồng thời tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp càng để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, tạo hành lang vận chuyển hàng hóa thuận tiện giữa khu vực, không những góp phần giảm tải cho đường bộ, thúc đẩy phát triển vận tải ven biển, mà còn là vành đai quan sát bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
New articles
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương
- Cục ĐTNĐ Việt Nam tham gia đoàn công tác do đồng chí Trần Hồng Minh - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình triển khai thi công xây dựng dự án cao tốc Hậu Giang- Cà Mau- đoạn cao tốc cuối cùng trên trục cao tốc bắc Nam
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028