Xuất bản thông tin
Ngành đường thủy hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý báo hiệu, phương tiện, luồng tuyến từ xa.
Doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công nghệ đèn báo hiệu đường thủy tự động, sử dụng năng lượng mặt trời (Ảnh: thử nghiệm tín hiệu đèn tại Công ty TNHH ứng dụng công nghệ Việt Nhật)
Từ tự động hóa đèn tín hiệu...
Giao thông đường thủy, hàng hải có đặc thù là sử dụng đèn tín hiệu lắp đặt trên phao, cầu hoặc vị trí định vị để phục vụ phương tiện lưu thông ban đêm. Trước năm 2000, công nghệ chiếu sáng đèn tín hiệu đường thủy là đèn sợi đốt, đèn halogen, nên định kỳ phải đi thay ắc quy, bóng đèn. Sau năm 2000, khi công nghệ đèn LED (đèn bán dẫn - điốt phát quang) phát triển, với ưu điểm tiêu hao ít năng lượng, ánh sáng rõ nét và có tuổi thọ gấp hơn 10 đến 100 lần so với đèn sợi đốt và huỳnh quang, đã được ứng dụng tại VN. Tiếp đó, khi pin năng lượng mặt trời phổ biến trên thế giới, từ năm 2003 những đèn báo hiệu năng lượng mặt trời cũng được đưa vào VN. Và chỉ khoảng 2 năm sau, các công ty chuyên sản xuất đèn báo hiệu trong nước đã ứng dụng và sản xuất thành công đèn báo hiệu năng lượng mặt trời. Trong đó, có những nhãn hiệu như VIJA Light của Công ty TNHH ứng dụng Việt Nhật cũng là sản phẩm được xuất khẩu, sử dụng tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha...
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện chỉ còn vài tuyến đường thủy quốc gia chưa sử dụng đèn năng lượng mặt trời và kế hoạch năm 2015 sẽ sử dụng hoàn toàn đèn báo hiệu công nghệ LED dùng năng lượng mặt trời. Và cùng với hiện đại hóa đèn tín hiệu, sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giám sát phao tiệu, báo hiệu, đèn tín hiệu từ xa.
... Đến tìm mô hình giám sát báo hiệu
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành giao thông đang là xu thế tất yếu, trong đó quản lý phương tiện, báo hiệu đường thủy nội địa cũng nằm trong đó. Giải pháp giám sát báo hiệu đường thủy từ xa giúp nhà quản lý nắm bắt được tình trạng hoạt động của báo hiệu trên tuyến từ xa, giúp giảm thiểu thiệt hại do sự cố của phao, đèn và đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải thủy.
Theo hệ thống truyền tín hiệu, hiện có 3 mô hình giám sát: Giám sát qua hệ thống thông tin vệ tinh (Inmarsat, Orbcom, Movimar...); Giám sát qua hệ thống sóng VHF (Hệ thống nhận dạng tự động - Automatically Identification System - AIS); Giám sát qua hệ thống di động GSM.
Phác họa mô hình giám sát báo hiệu từ xa qua mạng di động
Mô hình giám sát qua hệ thống thông tin vệ tinh: Được sử dụng đặc biệt hiệu quả ở các vùng biển xa, những nơi không có mạng thông tin mặt đất như giám sát tàu viễn dương, tàu hàng không quốc tế, tàu quân sự (Ở VN có Đài Vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (Hải Phòng LES). Hệ thống vệ tinh phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp tín hiệu vệ tinh, chi phí thuê bao kênh và chi phí thiết bị đầu cuối rất đắt. Chỉ phù hợp với những mục đích đặc biệt như quân sự, cứu hộ, cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, động đất,..
Mô hình giám sát qua hệ thống sóng VHF: là Hệ thống nhận dạng tự động kết hợp GPS và tự động thu phát. Mục đích chính của hệ thống là dùng để nhận dạng các tàu và vị trí của tàu trong vùng kiểm soát của hệ thống dịch vụ điều phối giao thông tàu thuyền và trong các vùng nước hạn chế.
Hệ thống AIS hoạt động tự động và phù hợp cho việc trao đổi thông tin giữa tàu với bờ và tàu với tàu, sử dụng dải sóng VHF dùng trong hàng hải, có thể đối phó được với điều kiện hàng hải trong vùng nhiều tàu bè hoạt động với cường độ cao, cho phép các tàu trao đổi thông tin nhận dạng vị trí. Khi kết hợp AIS với một thiết bị thông tin liên lạc khác, nó còn được ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Nhưng để sử dụng hệ thống AIS, cần xây dựng các trạm thu phát sóng VHF (trạm BTS) phủ sóng toàn tuyến luồng vận tải và trang bị thiết bị phát đáp AIS cho các phương tiện vận tải. Hệ thống này chi phí đầu tư và duy trì vận hành khá lớn. Dù vậy, xây dựng và trang bị hệ thống AIS là xu hướng tất yếu của quản lý giao thông hàng hải.
Giám sát qua hệ thống thông tin di động (GSM/GPRS/3G/4G): là hệ thống quản lý, giám sát tự động kết hợp GPS và tự động thu phát thông tin qua mạng thông tin di động sẵn có (VinaPhone, MobiPhone, Viettel..). Mục đích chính của hệ thống là dùng để quản lý các thiết bị, phương tiện giao thông, bao gồm: vị trí, hành trình và các thông số trạng thái hoạt động. Nơi nào có phủ sóng di động đều có thể trang bị, là xu hướng của thế giới áp dụng trong quản lý, giám sát phương tiện nội địa bởi chi phí đầu tư và duy trì rất thấp.
Khi được trang bị trên phương tiện, hệ thống có chức năng tự động: Gửi tín hiệu thông báo vị trí, tình trạng hoạt động định kỳ cho trung tâm và cán bộ quản lý thông qua mạng di động. Tự động gửi thông tin cảnh báo ngay khi xảy ra sự cố. Nhận thông tin để thực hiện theo lệnh của người trung tâm hoặc cán bộ quản lý.
Với trình độ công nghệ trong nước hiện nay, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn làm xây dựng được hệ thống quản lý mang thương hiệu Việt, phù hợp với điều kiện thực tế của VN.
Giám sát qua hệ thống thông tin di động sử dụng chủ yếu trong quản lý phương tiện vận tải đường bộ như taxi, xe buýt, xe tải... Đây cũng là mô hình có chi phí đầu tư, quản lý và vận hành rẻ nhất trong 3 mô hình kể trên.
Như vậy, ứng dụng giám sát báo hiệu đường thủy qua hệ thống thông tin di động có thể là mô hình phù hợp nhất trong lĩnh vực giám sát báo hiệu đường thủy nội địa từ xa.
Nguyễn Huy Hoàng
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa