Xuất bản thông tin
Nhờ ứng dụng trên, đơn vị quản lý không phải kiểm tra thủ công từng phao, báo hiệu mà trực theo dõi qua máy tính, điện thoại...
Phao báo hiệu trên luồng đường thủy quốc gia tại Quảng Ninh được định vị GPS, tích hợp giám sát vị trí và tình trạng hoạt động của đèn, phao
Ứng dụng mới giúp ngành đường thủy quản lý trực tuyến hệ thống phao, tín hiệu dẫn luồng ban đêm trên hệ thống đường thủy quốc gia để phục vụ tàu thuyền lưu thông an toàn, đồng thời quản lý hữu hiệu tài sản hạ tầng đường thủy.
Mở điện thoại biết được tình trạng phao, đèn tín hiệu
Ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ năm 2016, Cục bắt đầu thí điểm quản lý phao, đèn tín hiệu đường thủy trên một số tuyến vận tải thủy quốc gia bằng ứng dụng định vị GPS gắn trên đèn tín hiệu trên phao. Mục tiêu nhằm đảm bảo tốt nhất hệ thống phao tiêu, báo hiệu và ATGT đường thủy theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đạt hiệu quả cao nhất.
"Hệ thống đường thủy quốc gia có phạm vi rất rộng (trên cả nước hiện khai thác hơn 7.000km) nên quản lý thủ công không thể duy trì, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh đối với phao, đèn tín hiệu, vì vậy ngoài yếu tố về hiệu quả kinh tế còn ảnh hưởng đến an toàn GTVT trên tuyến. Thế giới đã ứng dụng công nghệ trên vào quản lý nhưng đã khá lâu, tuy nhiên trước đây ở Việt Nam chỉ có đèn, thiết bị nhập ngoại nên rất đắt và bảo hành phức tạp, đắt đỏ.
Từ năm 2016, các nhà sản xuất trong nước cung cấp được sản phẩm nội địa có giá thành chỉ bằng một nửa, Cục Đường thủy bắt đầu ứng dụng vào thực tế và từng bước đánh giá hiệu quả để nâng cấp ứng dụng và nhân rộng. Hiện hệ thống đường thủy quốc gia có hơn 6.000 đèn báo hiệu được lắp hệ thống giám sát tình trạng hoạt động, trong đó hơn 2.000 đèn trên phao được gắn thêm thiết bị định vị GPS để quản lý", ông Loan thông tin.
Lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông số 3, số 5 cho biết, ứng dụng đã tạo sự đột phá về quản lý, theo dõi được trực tuyến tình trạng phao, báo hiệu 24/24h. Nhờ ứng dụng trên, đơn vị quản lý không phải kiểm tra thủ công từng phao, báo hiệu mà trực theo dõi qua máy tính, điện thoại có kết nối Internet để theo dõi tình trạng hoạt động của đèn hoặc phao dịch chuyển khỏi vị trí thông qua phần mềm ứng dụng (mất tín hiệu, không đủ cường độ sáng, nguồn điện yếu, chế độ chớp…). Phao xê dịch hay tín hiệu đèn bất thường sẽ được khoanh vùng, xử lý kịp thời để đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt.
Các tín hiệu trên cũng đồng thời gửi về Trung tâm giám sát ATGT của Cục Đường thủy nội địa VN hoặc đơn vị được phân quản lý để giám sát việc thực hiện của đơn vị trực tiếp quản lý bảo trì hệ thống báo hiệu, đèn tín hiệu. Định vị cũng giúp dễ dàng tìm được phao, đèn bị mất do giông bão, tàu va quệt hay mất trộm.
Giám sát bảo trì, quản lý chặt tài sản
Đại diện Cục Đường thủy cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hạ tầng đường thủy được Cục trưởng Hoàng Hồng Giang trực tiếp chỉ đạo, hiện phần mềm quản lý, sản phẩm đèn tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tự động trong quản lý báo hiệu bằng hệ thống tích hợp giám sát tình trạng hoạt động của đèn tín hiệu và vị trí phao, đèn thông qua mạng viễn thông di động GSM.
Dễ dàng thu hồi phao trôi giạt,
mất trộm
Nhờ ứng dụng công nghệ quản lý trực tuyến, từ năm 2016 đến nay tất cả các trường hợp phao, đèn tín hiệu gắn định vị GPS bị mất do trôi giạt do thiên tai, mất trộm đều được ngành đường thủy thu hồi lại, giúp quản lý tốt hơn tài sản.
Gần đây nhất, ngày 25/4/2019 đèn VIJA-218COM trên phao QG182P064 tại Vĩnh Long bị mất trộm đã được đơn vị quản lý bảo trì tìm thấy tại Đồng Nai. Hiện, công an đang thụ lý vụ việc.
"Cục Đường thủy nội địa VN đang tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng phần mềm quản lý và chất lượng sản phẩm báo hiệu để áp dụng trên hệ thống đường thủy quốc gia, mục tiêu đến năm 2021 áp dụng trên tất cả các tuyến đường thủy quốc gia. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm được thông qua đấu thầu theo quy định", ông Loan nói và cho biết thêm việc quản lý, giám sát bảo trì nói chung và hệ thống báo hiệu nói riêng thông qua ứng dụng cũng đang được tách bạch, độc lập với đơn vị trực tiếp bảo trì các tuyến đường thủy nội địa.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ Việt Nhật, đơn vị trúng thầu cung cấp đèn báo hiệu đường thủy giám sát trực tuyến cho biết, ứng dụng đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng để quản lý báo hiệu đường thủy, hàng hải.
"Ứng dụng công nghệ vào quản lý hạ tầng đường thủy, trong đó có quản lý phao báo hiệu đường thủy phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, hiện đại bằng công nghệ. Sản phẩm đèn tín hiệu VIJA của Việt Nhật hiện không chỉ được sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài", Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ Việt Nhật cho biết.
Theo Baogiaothong.vn
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương