Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Quản phương tiện thủy vẫn rối như canh hẹ
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trên toàn quốc...

3

Hiện không có số liệu chính xác về phương tiện, thuyền viên đường thủy

Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trên toàn quốc nhằm có được con số thật về phương tiện, thuyền viên đường thủy phục vụ công tác quản lý. Tuy vậy, với tình trạng các phương tiện thủy không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm vẫn lưu thông tràn lan, dư luận đặt câu hỏi việc tổng điều tra lần này có chấm dứt được số liệu "ảo" trong quản lý phương tiện thủy?

Chỉ đăng kiểm, không đăng ký vẫn lưu thông

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên một số tuyến đường thủy phía Bắc như sông Hồng, Lô, Kinh Thầy... khá phổ biến phương tiện thủy chở hàng được đóng mới, chỉ có số đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông, chở hàng (nhiều nhất là vật liệu xây dựng).

Chị Vũ Thị Hồng (Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định), máy trưởng tàu có số đăng kiểm VR 16043807 cho biết, gia đình chị đóng con tàu này hơn 1 năm và thường mua cát từ thượng nguồn sông Lô về Nam Định, Thái Bình bán. "Gia đình tôi vay mượn tiền ngân hàng đóng con tàu này, mới có giấy tờ đăng kiểm nhưng cũng thế chấp ngân hàng rồi. Tôi cũng tính chạy một thời gian có tiền mới làm đăng ký tàu. Nếu bị lực lượng chức năng lập biên bản không còn cách nào khác là chấp nhận nộp phạt", chị Hồng nói.

Nhiều Sở GTVT không cập nhật số liệu phương tiện thủy

Theo quy định tại Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT, định kỳ ngày 25 hàng tháng, Sở GTVT các địa phương phải báo cáo Cục ĐTNĐ Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện thủy. Tuy nhiên, theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện mới có 27 Sở GTVT báo cáo, còn lại không báo cáo, mặc dù Cục nhiều lần đôn đốc, đề nghị từ chuyên viên, trưởng phòng chuyên môn đến lãnh đạo Sở. Vì vậy, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về đăng ký phương tiện thủy, thay thế cho thông tư hiện nay.

H.L

Anh Tính, thuyền viên tàu VR16045689 cho biết: "Tàu đã đóng được hơn 1 năm, nhưng chưa bao giờ bị tạm giữ vì không có đăng ký nên chúng tôi cố chạy thêm một thời gian để trang trải nợ và đi đăng ký".

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn "chạy chui". Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số liệu phương tiện giữa các đơn vị quản lý về đăng kiểm, đăng ký "vênh" nhau, thậm chí không phản ánh đúng thực tế.

Ông Hoàng Minh Thái, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, thuyền viên (Cục Đường thủy nội địa VN) cho biết, đến hết tháng 7/2017, toàn quốc có hơn 250.000 phương tiện thủy đã đăng ký. "Con số này mới đạt 53,1% tổng số phương tiện so với kết quả tổng điều tra phương tiện thủy, người lái trên toàn quốc được thực hiện năm 2007", ông Thái nói và cho biết, hiện không rõ toàn quốc có bao nhiêu phương tiện thuộc diện phải đăng ký, bởi chắc chắn số lượng điều tra năm 2007 ở nhiều địa phương sẽ là con số ảo.

"Các địa phương cũng không kiểm soát, quản lý được phương tiện nhỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Hơn nữa, những biến động thực tế về phương tiện, người lái trong thời gian dài không được các địa phương cập nhật, thông tin đầy đủ", ông Thái cho biết.

Về phía cơ quan đăng kiểm, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: "Con số phương tiện thủy có trong dữ liệu đăng kiểm của Cục Đăng kiểm VN luôn cao hơn so với số liệu đăng ký. Điều này phản ánh thực tế có những phương tiện đóng xong nhưng không chấp hành đăng ký, cũng như dữ liệu về phương tiện không sát thực tế".

Đề xuất tổng điều tra phương tiện

Ông Hoàng Minh Thái cho biết, hiện trên dữ liệu điện tử của Cục ĐTNĐ Việt Nam mới cập nhật được dữ liệu gần 100.000 phương tiện thủy. "Dự kiến trong tháng 8/2017, Cục sẽ trình Bộ GTVT đề án tổng điều tra phương tiện thủy, thuyền viên trên toàn quốc nhằm thiết lập hệ thống dữ liệu đúng theo thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý. Tuy vậy, dự kiến sẽ gặp khó khăn về kinh phí để có thể triển khai sớm", ông Thái thông tin.

Được biết, đây cũng là chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT trong thời gian qua nhằm quản lý chặt chẽ phương tiện, thuyền viên đường thủy. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng điều tra năm 2007 đặt ra vấn đề cần giải pháp để ngăn chặn con số "ảo" được đưa ra từ các địa phương, nhất là từ cơ sở. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai số trước đây do các chi phí để tổng điều tra căn cứ theo số phương tiện; vì vậy có thể có trường hợp cấp cơ sở khai khống số phương tiện để được hưởng kinh phí.

Ông Hoàng Minh Thái cho biết, một trong những phương án được đưa ra là thành lập Ban Chỉ đạo tổng điều tra Trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã, thôn và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra để bảo đảm tính xác thực nhất.

Còn theo ông Đỗ Trung Học, để ngăn ngừa việc thống kê không đúng, trong quy chế điều tra cần nêu rõ vai trò trách nhiệm, chế tài đối với từng cấp, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra. "Có thể giữ nguyên tiêu chí tổng điều tra, thống kê như trước đây, nhưng bổ sung chế tài nếu xảy ra sai phạm. Đồng thời có sự kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên đối với một số cơ sở điều tra để đảm bảo số liệu điều tra phản ánh đúng thực tế", ông Học đề xuất.

Theo ông Hoàng Minh Thái, quan trọng nhất trong việc kiểm soát phương tiện, thuyền viên là lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường thủy cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không đủ điều kiện về đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông, là giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng số liệu "ảo" trong lĩnh vực đường thủy.

Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)

Quay lại