Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Quy hoạch nhiều cảng thủy mới tại Vĩnh Phúc
Từ khóa Xem với cỡ chữ

 

Tỉnh Vĩnh Phúc định hướng quy hoạch nhiều cảng thủy nội địa để phục vụ việc vận tải hàng hóa trên sông Hồng và sông Lô.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, địa phương định hướng đầu tư, phát triển các tuyến đường thủy nội địa và cảng thủy nội địa để phục vụ cho vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy, giảm áp lực cho đường bộ.

Quy hoạch nhiều cảng thủy mới tại Vĩnh Phúc- Ảnh 1.

Tỉnh Vĩnh Phúc định hướng phát triển hai tuyến đường thủy nội địa gồm tuyến Hà Nội - Việt Trì trên sông Hồng; tuyến Việt Trì - Tuyên Quang trên sông Lô (Ảnh minh họa).

Cụ thể, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, xây dựng các tuyến đường thủy nội địa như tuyến Hà Nội - Việt Trì trên sông Hồng; tuyến Việt Trì - Tuyên Quang trên sông Lô.

Đồng thời, phát triển các cảng thủy nội địa như cảng Vĩnh Thịnh, cảng Cam Giá, cảng An Tường trên sông Hồng (khu vực huyện Vĩnh Tường) với công suất dự kiến khoảng 500.000 tấn/năm. Cùng đó, xây dựng cảng trên sông Lô có cảng Như Thụy (công suất dự kiến 500.000 tấn/năm) và cảng Đức Bác (công suất dự kiến 300.000 tấn/năm).

Ngoài ra, địa phương cũng quy hoạch nhiều cảng tiềm năng như cảng Trung Hà, cảng Hồng Châu, cảng Cao Đại trên sông Hồng, cảng Việt Xuân, cảng Sơn Đông, cảng Cao Phong, cảng Hải Lựu cùng các cảng khác trên sông Lô. Các cảng được định hướng có công suất hàng hóa khoảng 300.000 tấn/năm.

Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phát triển cụm cảng hành khách Vĩnh Phúc – Phú Thọ trên song Hồng và sông Lô với công suất hành khách dự kiến đạt 100.000 hành khách/năm.

Để hỗ trợ cho việc vận tải hàng hóa, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư các cảng cạn theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các cảng cạn ưu tiên đặt tại những vị trí có kết nối vận tải đa phương thức, cũng như kết nối với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.

Trong đó, có cảng cạn Hương Canh tại huyện Bình Xuyên (kết nối với đường bộ gồm cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai); cảng cạn Lập Thạch tại huyện Lập Thạch (kết nối với đường bộ gồm cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng); cảng cạn Cam Giá tại huyện Vĩnh Tường (kết nối với đường bộ gồm Quốc lộ 2C, Quốc lộ 32, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng như đường thủy nội địa sông Hồng).

Quy hoạch lưu ý tên, vị trí, quy mô diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án, công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Ngoài dự kiến các cảng xây dựng mới đã nêu, địa phương sẽ căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển các cảng khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan./.

Hiểu Đồng - Báo Giao thông
https://www.baogiaothong.vn/quy-hoach-nhieu-cang-thuy-moi-tai-vinh-phuc-19224020911240892.htm

Quay lại