Xuất bản thông tin
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có cuộc trao đổi riêng với Báo Lao Động về những giải pháp tạo đột phá cho hệ thống hạ tầng giao thông, cũng như tăng cường kết nối vận tải để giảm sự "lệch pha" của hệ thống giao thông khi mà đường bộ, hàng không phát triển quá nóng, còn đường sắt, đường thuỷ chưa được quan tâm nhiều.
Bộ trưởng cho biết: Ngành giao thông đóng góp rất lớn vào chi phí logistic nếu hệ thống hạ tầng giao thông tốt, kết nối các loại hình tốt, hoạt động vận tải tốt, chi phí vận tải trong logistic giảm, đồng nghĩa với chi phí logistic chung sẽ giảm, hàng hoá của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chúng tôi cho rằng, nếu chúng ta có 1 quy hoạch tốt, có sự kết nối liên hoàn giữa 5 loại hình vận tải là đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển và đường thuỷ nội địa thì hoạt động vận tải của chúng ta sẽ tốt hơn và đặc biệt, chi phí vận tải sẽ giảm.
Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, cứ 5 năm/lần, chúng tôi tổng rà soát lại quy hoạch giao thông. Thời gian qua, với hệ thống giao thông đường bộ, hàng không đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, 3 loại hình còn lại là đường sắt, đường thuỷ nội địa và vận tải biển có phát triển nhưng tốc độ chậm. Chúng tôi không hài lòng với hệ thống hạ tầng giao thông đang có, vì hệ thống này đang phát triển rất lệch pha.
Thưa Bộ trưởng, trước thực trạng này Bộ GTVT đang và sẽ có giải pháp ra sao?
- Tôi cho rằng, trước hết, cần có quy hoạch tốt rồi bám vào quy hoạch để hình thành nên hệ thống hạ tầng giao thông đúng theo quy hoạch để đảm bảo tính kết nối giữa các loại hình vận tải. Tiếp đó, cần triển khai 1 số biện pháp mang tính đột phá để giảm chi phí vận tải.
Cụ thể, trên lĩnh vực hàng không, chúng ta cần tập trung hình thành nên 2 trung tâm lớn về hàng không không chỉ với quốc gia mà cho cả khu vực là sân bay Nội Bài và sân bay quốc tế Long Thành cùng sân bay Tân Sơn Nhất. Quy hoạch tốt, đầu tư tốt, với 2 trung tâm Bắc - Nam này, Việt Nam hoàn toàn có thể là 1 điểm trung chuyển tốt cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như là cho các hãng hàng không có nhu cầu vận chuyển trên toàn cầu.
Ngoài hàng không, chúng ta phải tập trung phát triển vận tải biển. Hiện nay, chúng ta đã hình thành nên 2 trung tâm ở phía Nam là cảng Cái Mép Thị Vải, ở phía Bắc là cảng Lạch Huyện. Đây là 2 cảng nước sâu, tàu có trọng tải lớn, có thể là điểm trung chuyển cho các cảng trong khu vực.
Bên cạnh đó, để 2 lĩnh vực trên phát triển tốt, dĩ nhiên là đường thuỷ nội địa hoặc vận tải ven biển hoặc đường sắt cũng phải phát triển thì mới có thể kết nối vào các cảng biển, cảng hàng không. Riêng đường sắt, phải nói đây là 1 lĩnh vực tiêu rất nhiều tiền nhưng hiệu quả kinh tế rất cao, hiện chúng tôi đang xây đề án và theo lộ trình năm 2019, bộ sẽ trình Quốc hội để xây dựng đường sắt bắc Nam tốc độ cao.
Xin Bộ trưởng chia sẻ cụ thể các cơ chế tạo đột phá cho vận tải thuỷ, vận tải ven bờ?
- Với vận tải thuỷ, bộ xác định một số nút thắt mà những nút thắt này, theo quan điểm của bộ, sẽ không xã hội hoá mà cố gắng bố trí ngân sách nhà nước để tháo gỡ vì khuyến khích vận tải thuỷ, nếu thêm xã hội hoá là thêm các trạm thu giá thì rõ ràng, chi phí sẽ tăng cao, dẫn đến cản trở sự phát triển.
Do đó, bộ sẽ chọn một số công trình dự án nút thắt trọng điểm để đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Ví dụ ở miền Bắc, nút thắt lớn nhất là cầu Đuống, thì sẽ có phương án nâng nhịp giữa cầu Đuống để trong 1 ngày, có thể điều tiết giao thông cả thuỷ và bộ bằng cách đóng, mở, hoặc kích lên cao, xuống thấp và khi ưu tiên giao thông thuỷ là mình cắt giao thông bộ và đường sắt.
Phương án này sẽ giúp dòng phương tiện thuỷ chở container từ Hải Phòng về Việt Trì và ngược lại được đảm bảo tốt mà không ảnh hưởng nhiều tới đường sắt hay đường bộ... Nói một cách tổng thể, Bộ GTVT sẽ đề xuất 3 nhóm giải pháp, trong đó nhóm 1 tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng với cả nguồn vốn ngân sách và vốn kêu gọi từ nguồn xã hội hoá.
Nhóm thứ 2, bộ sẽ đề nghị Chính phủ trong việc cần có 1 cơ chế chính sách, hoặc 1 gói tín dụng để hỗ trợ việc phát triển phương tiện thuỷ nội địa và tàu sông pha biển để giảm tải cho giao thông đường bộ. Khi Chính phủ đồng ý thì bộ sẽ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chính sách cụ thể.
Nhóm giải pháp thứ 3, bộ muốn xây dựng các Cty HTX vận tải mạnh vì hiện nay, đa số DN vận tải thuỷ nhỏ lẻ, các hộ gia đình. Do đó, nguồn hàng rất hạn chế, việc quản lý an toàn cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế.
Theo Báo laodong.vn
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương