Xuất bản thông tin
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang tích cực rà soát lại từng thủ tục hành chính để đưa ra phương án đơn giản tối ưu đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang.
Ảnh: Quang Toàn/BNEWS
Phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả thực hiện cải cách hành chính của Cục Đường thủy nội địa hiện nay?
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước của Cục đã quyết liệt chỉ đạo các phòng ban cơ quan Cục, các đơn vị trực thuộc Cục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của đơn vị trên cả 6 nội dung như: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; hiện đại hoá nền hành chính…
Cụ thể, về cải cách thể chế đây là một nội dung trọng tâm của Cục trong năm 2015 sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Cục đã tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm luật dưới luật, trên cơ sở đó đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải cho sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 12 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm 1 Nghị định, 9 Thông tư, 2 Quyết định của Thủ tướng.
Tập trung cải cách, hoàn thiện trong lĩnh vực đường thủy. Ảnh: Thanh Phàn/TTXVN
Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục rà soát và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực như quản lý vận tải, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý cảng, bến thủy, phương tiện thuỷ nội địa; đầu tư xã hội hóa … để đảm bảo hoàn thiện đồng bộ, hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa. Liên tục rà soát toàn bộ 88 thủ tục hành chính và hiện đã kiến nghị giảm xuống còn 57 thủ tục.
Phấn đấu đến 15/12/2015 thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 25 thủ tục, trong năm 2016 hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cả 57 thủ tục.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đã hoàn thành việc cổ phần hóa 10 Đoạn Quản lý đường thủy nội địa thành 10 công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa, tách chức năng cung cấp dịch vụ quản lý bảo trì ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; sắp xếp lại, giảm đầu mối các phòng, ban cơ quan Cục từ 12 đầu mối xuống còn 9 và các Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, Cục đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công và tăng cường giám sát việc thực thi công vụ do các công chức, viên chức tại các cơ quan đơn vị trực thuộc…
Phóng viên: Hiện tại, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chuẩn bị cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số lĩnh vực. Vậy ông có thể chia sẻ cho bạn đọc các lĩnh vực đó là gì?
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Sau rà soát toàn bộ 88 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, Cục đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho công bố 57 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa (giảm 31 thủ tục hành chính).
Trong đó, lĩnh vực vận tải - an toàn giao thông có 11 thủ tục; lĩnh vực quản lý hạ tầng có 16 thủ tục; lĩnh vực quản lý phương tiện và thuyền viên có 19 thủ tục và lĩnh vực pháp chế - thanh tra có 11 thủ tục.
Về thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố nước ngoài (cơ chế hải quan một cửa) gồm thủ tục cấp giấy phép cho phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển… ra vào cảng, bến thủy nội địa; thủ tục cấp giấy phép cho phương tiện vận tải qua biên giới Việt Nam – Campuchia… (6 thủ tục hành chính).
Cục đang phối hợp với Tổng Cục hải quan để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia, dự kiến công bố vào ngày 15/11 tới.
Về quản lý phương tiện, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang phối hợp với các sở giao thông vận tải, các trung tâm đào tạo hoàn thành việc cập nhật cơ sở dữ liệu về phương tiện, bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công tuyến.
Hoàn chỉnh phần mềm quy trình nghiệp vụ thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dự kiến công bố vào ngày 15/12/2015.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số lĩnh vực. Ảnh: Hà Thái/TTXVN
Đối với các thủ tục hành chính còn lại (32 thủ tục hành chính), Cục đã đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng phần mền cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm 2016.
Hiện tại, Cục đang tiến hành thử nghiệm phần mềm quản lý cấp phép vào rời cảng bến cho phép chủ phương tiện có thể tiến hành làm thủ tục vào rời cảng bến qua các phương thức như: website, email, tin nhắn sms, fax, điện thoại … mà không phải trực tiếp làm việc với cảng vụ viên.
Điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc của các phương tiện khi vào/rời cảng bến…
Phóng viên: Ý nghĩa của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Cục đối với người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Có thể nói việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần nâng cao được trách nhiệm của công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa các tiêu cực trong quá trình thực hiện, xử lý công việc.
Bên cạnh đó sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp đối với người dân và doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ của mình, hồ sơ đã giải quyết đến đâu, còn vướng ở khâu nào. Do đó, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ, khi triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 25 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực cấp giấy phép vận tải qua biên giới và làm thủ tục cho phương tiện ra vào cảng bến, đảm bảo giải quyết cho trên 90% hồ sơ thủ tục hành chính qua môi trường mạng.
Để việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đi vào cuộc sống, Cục Đường thủy nội địa tiếp tục mở rộng các hình thức tiếp nhận thông tin như: qua điện thoại, tin nhắn, hộp thư…. mà không nhất thiết phải có máy tính và môi trường mạng (xuất phát từ đặc điểm của người tham gia hoạt động vận tải thủy).
Cục cũng tích cực nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức ngành để có thể sớm áp dụng các công nghệ mới vào quản lý ngành.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Toàn (TTXVN)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương