Xuất bản thông tin
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện toàn bộ luồng đường thủy qua cầu Ghềnh đã bị cấm.
Cầu Ghềnh - Biên Hòa bị sà lan đâm sập, nhiều người rơi xuống sông |
20g10: Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Doãn Hải, Đoàn luật sư TP HCM cho biết: Điều 212 Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định rõ khung hình phạt đối với vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Theo đó, nếu người điều khiển phương tiện gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
19g30: Thượng tá Huỳnh Văn Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng phòng PC45 công an tỉnh Đồng Nai cho biết công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự TNGT đường thủy sà lan tông sập cầu Ghềnh.
Công an tỉnh Đồng Nai xác định danh tính 2 người trên tàu kéo sà lan gây tai nạn làm sập cầu Ghềnh là Nguyễn Văn Lẹ, quê Sóc Trăng và Trần Văn Giang quê tỉnh Bạc Liêu. Hiện 2 người này đã bỏ trốn công an vẫn đang tiếp tục truy tìm để làm rõ.
19g20: Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tới hiện trường trực tiếp chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông thủy, tiếp tục tìm kiếm cứu nạn và các giải pháp sớm khắc phục tai nạn, thông tuyến đường sắt Bắc Nam.
Tại hiện trường, Thứ trưởng yêu cầu khảo sát thực địa và lai dắt sà lan vào nơi an toàn để tránh va đập vào các tầu khác. Bộ GTVT chỉ đạo tiến hành kháo sát các dầm cầu, các trụ đã hư hại để đưa ra phương án xử lý tốt nhất. Tuy nhiên, để khắc phục toàn bộ sự cố sập cầu Ghềnh và thông lại toàn bộ tuyến đường sắt qua đoạn này thì cũng phải mất ít nhất từ 3 đến 5 tháng.
Tại hiện trường, Thứ trưởng chỉ đạo ngành đường sắt trước mắt thông báo ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc – Nam là ga Biên Hòa. Ngành đường sắt sẽ chuyển tải hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại.
Trên đường thủy, phân luồng tàu thuyển qua sông cái Bé, trên tuyến chính sẽ khảo sát nếu có thể sẽ điều tiết tàu qua khoang thông thuyền còn lại.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tỉnh Đồng Nai và cơ quan điều tra tiến hành điều tra nguyên nhân và khởi tố vụ án vì đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tài sản quốc gia, gây đình trệ giao thông đường sắt.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia Khuất Việt Hùng có mặt tại hiện trường vụ sập cầu lúc 19g tối sau khi họp chỉ đạo khắc phục sự cố với các ban ngành chức năng tại Đồng Nai. |
18h30: Phóng viên Đỗ Loan cho biết, theo đề nghị của công ty đường sắt sau khi xảy ra vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai, Sở GTVT TP.HCM đã điều động trên 20 xe buýt để đưa đón khách từ Đồng Nai về TP HCM và ngược lại. Từ khi xảy ra sự cố đến giờ, có 15 xe buýt phục vụ đưa đón hành khách. Từ ngày mai đến khi khắc phục xong sự cố, Sở GTVT sẽ đảm bảo đủ xe phục vụ hành khách, đồng thời bố trí đơn vị xe buýt 19/5 túc trực tại ga đường sắt để phục vụ đưa đón hành khách bất cứ thời gian nào.
18h20: Tại buổi họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa diễn ra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị tỉnh Đồng Nai sử dụng thiết bị để dò dòng sông, đề nghị phía các cơ quan ban ngành Đồng Nai phối hợp thực hiện. Sau khi dò xét xong sẽ lên phương án trục vớt.
Thứ trưởng Đông yêu cầu Cục ĐTNĐ rà soát lại luồng, để đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn trong quá trình xử lý sự cố. Công bố rõ ràng thông tin tàu nào đi vào giờ nào. Duy trì lực lượng 24/24 để đảm bảo an toàn giao thông. Tổ chức lại vận tải đường sắt trong giai đoạn này, ga Biên Hòa tạm thời là ga cuối của đường sắt Bắc Nam. Đồng thời, chuyển tải từ ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa. Tăng cường lực lượng từ ga Sài Gòn về ga Biên Hòa để phục vụ hành khách. Tiếp tục tìm kiếm xác định có hay không còn người mắc kẹt, để công bố thông tin chính thức. Nếu có người thì phải tìm bằng được.
18h10: Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III cho biết, sà lan đâm sập cầu Ghềnh còn thời hạn đăng kiểm đến giữa tháng 7/2016. Hiện tại, 3 đại diện cảng vụ đang tập trung tất cả ca nô, nhân lực điều tiết, phân luồng, bảo vệ hiện trường để các đơn vị xử lý. Cũng theo ông Thạch, sà lan gây tai nạn thường xuyên chạy tuyến Bình Dương - Vĩnh Long. Ông Thạch cũng cho biết, khúc sông qua cầu Ghềnh có rất nhiều đá ngầm.
18h00: Thứ trưởng Phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sau khi đáp máy bay xuống Tân Sơn Nhất, đã đến ngay UBND tỉnh Đồng Nai để họp bàn phương án xử lý sự cố sập cầu Ghềnh.
Thứ trưởng Phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường họp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan |
17h55: Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải Đường sắt Sài Gòn, do các chuyến tàu bị tạm dừng hành trình, nhiều hành khách đã hủy chuyến, trả vé và xin được hoàn tiền. Những trường hợp này đều được nhà ga tạo điều kiện cho đổi, trả vé tại các quầy vé trong nhà ga và không mất phí. Trong ngày 20/3, đã có 6 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn phải tạm ngưng hành trình, với khoảng 1.107 hành khách trên các chuyến: SE22, TN2, SE26, SE2, STN2 và STN4. Tại ga Biên Hòa cũng có 4 đoàn tàu phải dừng lại, với khoảng 1.548 hành khách.
17h35: Bà Phạm Thị Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Biên Hòa cho biết, dự kiến có hai chuyến tàu, mỗi chuyến chở hơn 250 hành khách sẽ về ga Biên Hòa. Trong đó, một chuyến đến ga lúc 18h10 và chuyến tiếp theo là 19h30.
17h20: PV từ hiện trường cho hay, rất đông hành khách đang lên xe từ ga Biên Hòa để về TP.HCM. Hiện có khoảng 5 - 6 xe đò (loại trên 40 chỗ) trung chuyển khách, tuy nhiên theo thông tin mới nhất cho biết Sở GTVT TP.HCM đang điều động hàng chục xe buýt đến tiếp ứng.
17h05: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đến hiện trường vụ tai nạn sập cầu Ghềnh, hai cần cẩu cũng được đưa đến hiện trường để khắc phục sự cố.
17h00: Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức cuộc họp báo, công bố thông tin vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh tại TP Biên Hòa.
Theo đó chủ phương tiện được xác định là bà Nguyễn Thu Hồng, quê Tiền Giang, hiện ngụ chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM. Sà lan này chuyên chở hàng khô, tại thời điểm xảy ra tai nạn gãy cầu Ghềnh, cơ quan chức năng ghi nhận sà lan chở cát, sỏi khô.
Sà lan dài 42,83 m, rộng 12,23 m. Phương tiện này được cho là kiểm tra kỹ thuật lần gần nhất là vào 13/10/2015. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trên sà lan tại thời điểm đâm va làm gãy cầu Ghềnh có khoảng 3 - 4 người.
16h55: Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đã tổ chức trung chuyển hành khách hai đoàn tàu SE22 và TN2 từ ga Sài Gòn về ga Biên Hòa. Theo đó, số lượng hành khách của tàu SE22 là 295 người, TN2 là 161 người, số khách từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn 349 người. Tối nay, sẽ tiếp tục trung chuyển các tàu SE2, SE26, SNT2 và SE4 với khoảng 1.000 khách.
16h50: Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện toàn bộ luồng đường thủy qua cầu Ghềnh đã bị cấm. Cục Đường thủy nội địa VN dự kiến, sẽ điều tiết phương tiện thủy đi nhánh còn lại của sông Đồng Nai qua Bình Dương.
Cùng với đó, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 đề xuất phương án điều tiết giao thông đường thủy là cho phương tiện to đi qua khoang thông thuyền còn lại (khoang biên) của nhịp cầu Ghềnh bị sập. Còn phương tiện nhỏ đi vòng theo nhánh sông Cái, xa hơn khoảng 2km so với đi qua cầu Ghềnh. Lý do là chiều cao tĩnh không của cầu qua sông Cái chỉ cao 2,5m, không phù hợp với phương tiện trọng tải lớn.
16h30: Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai.
Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, gồm 14 thành viên và có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm ATGT đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố sập cầu.
16h15: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đang từ sân bay xuống hiện trường vụ tai nạn sập cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai.
16h00: PV Báo Giao thông từ hiện trường điện thoại về cho biết, đoàn cán bộ chuyên gia của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (Bộ Công an) đã đến hiện trường hỗ trợ địa phương tìm kiếm và khắc phục sự cố. Cùng thời điểm này, các thợ lặn từ TP.HCM đã đến hiện trường và chuẩn bị lặn xuống sà lan kiểm tra.
Trao đổi qua điện thoại với PV, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ yêu cầu lực lượng chuyên môn nội trong chiều nay phải di dời được sà lan vào bờ để tàu thuyền có thể lưu thông.
Lực lượng người nhái chuẩn bị tiếp cận chiếc sà lan bị chìm để kiểm tra |
15h40: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh được xác định do thuyền trưởng điều khiển sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
15h20: Thông tin mới nhất từ phóng viên hiện trường cho biết, lực lượng chức năng đã xác định được chiếc sà lan gây tai nạn mang biển kiểm soát SG 3745.
15h15: Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tiếp tục quần thảo trên sông Đồng Nai tìm kiếm nạn nhân nghi có thể mất tích dưới sông. Hiện vẫn chưa xác định chính xác có bao nhiêu người rơi xuống sông khi cầu sập, trên chiếc xà lan chìm có mấy người...
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc cảnh sát PCCC TPHCM cho biết: Đã điều động 2 ca nô chuyên dụng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến chi viện phối hợp cùng Công an tỉnh Đồng Nai để tham gia cứu hộ - cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh.
15h00: Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện gửi Các Bộ GTVT, Bộ Công an; Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật cầu Ghềnh để thông tuyến đường sắt Bắc- Nam trong thời gian ngắn nhất.
14h50: Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa cho biết, sà lan gây tai nạn có tải trọng khoảng 800 tấn, chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng. Khi chiếc sà lan này đang chạy hướng TP HCM về Bình Dương thì đâm vào trụ cầu số 2 khiến trụ xê dịch, 2 nhịp cầu số 2 và 3 rơi xuống sông. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công ty quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10, Cảng vụ hàng hải đã điều cano bảo vệ hiện trường, cứu nạn và điều tiết giao thông.
14h20: Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh khiến khu dân cư gần 2 đầu cầu bị mất điện, các cơ quan chức năng đang khắc phục điện nước cho người dân.
14h10: Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, các đơn vị đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sập cầu. Công ty quản lý bảo trì đường thủy số 10 đã thả phao để điều tiết tuyến luồng và yêu cầu các phương tiện thủy đi theo tuyến luồng bên kia. Cảng vụ 3 cũng đang khẩn trương điều tra nắm tình hình chiếc xà lan này trực thuộc đơn vị nào, đi từ đâu và phương án vận hành ra sao, cũng như xác định ai là người điều khiển chiếc sà lan.
14h00: Cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là cầu đường sắt đi chung với đường bộ, theo đó đường sắt đi giữa và 2 bên dành cho các phương tiện đường bộ. Sau vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2011, khi một đoàn tàu đâm hàng loạt ô tô và xe máy trên cầu, ngành đường sắt và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định không cho phép ô tô lưu thông qua cầu này.
13h40: Trao đổi với báo giao thông, ông Đoàn Duy Hoạch Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổng công ty đang họp bàn phương án khẩn cấp để đưa hành khách qua đoạn đường sắt này, đây là đường sắt quan trọng trên trục Bắc Nam, công ty đang nỗ lực hết sức để tìm phương án tối ưu nhất.
13h30: Ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam vừa trao đổi với phóng viên Báo Giao thông cho biết, hiện tại theo báo cáo gửi về không có người thiệt mạng do vụ sập cầu này. Cũng theo ông Duy, chiếc sà lan đâm vào 1 mố cầu khiến nhịp cầu sập xuống và nhấn chìm luôn cả sà lan.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang họp bàn phương án khẩn cấp để khắc phục vụ tai nạn này, cũng như tìm phương án chuyển tải hành khách.
13h20: Một cán bộ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa cho PV Báo Giao Thông biết, thời điểm xảy ra vụ việc có hai người đàn ông rớt xuống sông, nhưng nhờ biết bơi và sau đó được ghe cá cứu sống. Một phụ nữ cũng bị rớt xuống sông, nhưng gặp chỗ cạn nên được bà con cứu an toàn.
13h10: Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin và lực lượng thanh tra đường sắt đang có mặt tại hiện trường, theo thông tin sơ bộ báo về nguyên nhân do một sà lan đâm làm sập cầu.
13h00: Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao Thông, một lãnh đạo Phòng CSGT Đường thủy công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã cử nhiều chiến sỹ và 5 chiếc ca nô ra hiện trường tìm kiếm và đã cứu được 2 người.
12h40: Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu sẽ bay chuyến bay sớm nhất vào lúc 14h05 chiều hôm nay, để chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sập cầu ghềnh.
Tham gia đoàn công tác có Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch, phó Vụ trưởng vụ kết cấu hạ tầng và các lãnh đạo tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng Cục Đường sắt Việt Nam.
Vào khoảng 12h ngày 20/3, một chiếc sà lan đâm vào cầu Ghềnh nối hai phường Bửu Hòa và Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) khiến đường sắt Bắc-Nam tê liệt.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông tại hiện trường, nhịp cầu giữa đã rơi xuống sông, sà lan đang lật ngửa. Lực lượng chức năng đã điều động ca nô khoanh vùng và tìm kiếm những người nghi còn đang mất tích khi bị rớt khỏi cầu.
Bước đầu nhiều người dân khu vực cho cho biết có 3 người rớt xuống sông nhưng thoát nạn. Trong số này, có 2 người bị rớt xuống sông Đồng Nai đã được trục vớt.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo chính quyền địa phương đã đến hiện trường chỉ đạo đạo công tác khắc phục.
Lãnh đạo Bộ GTVT đang trên đường đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo Báo Giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương