Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Sẽ đầu tư tuyến cao tốc xuyên vùng Tây Nam bộ
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ-Cà Mau.

20

Sông Cần Thơ, tuyến đường thủy nội địa quan trọng kết nối giao thương từ TP.HCM qua cửa biển Quan Chánh Bố vào luồng sông Hậu đi các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang - Ảnh: Nguyễn Hạnh

Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trong đó có tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau để giải quyết các nút thắt về hạ tầng giao thông, phát triển mạnh mẽ KT-XH của vùng Tây Nam bộ.

Tiềm năng chưa được khai phá

Với hơn 4 nghìn km đường thủy, có thể nói, vùng Tây Nam bộ đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông thủy. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng nhất là việc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải thủy và bộ chưa hiệu quả.

"Trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng của khu vực đang tồn tại nhiều cầu yếu, có độ tĩnh không – thông thuyền thấp, cộng với việc nhiều luồng lạch cạn và hẹp khiến tàu lớn không thể hoạt động tại khu vực này", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói và cho biết thêm, hầu hết tuyến đường thủy nội địa ở đây chỉ đáp ứng việc đi lại của tàu chở hàng dưới 500 tấn. Trong khi đó, trên 50% phương tiện vận tải hiện đang hoạt động trên tuyến đều có tải trọng lớn, xấp xỉ 1.000 tấn. Đó là chưa kể đến việc hệ thống bến thủy nội địa còn thô sơ, các dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển nên vận tải thủy khó phát huy lợi thế, chưa đáp ứng được hình thức vận tải đa phương thức.

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm cấp bách của vùng Tây Nam bộ đã hoàn thành và sớm phát huy hiệu quả. Trong đó, phải kể đến các hệ thống trục quốc lộ và các cầu lớn được xây dựng, nâng cấp mở rộng, như: QL1, tuyến N2, trục ven biển phía Nam; cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Cổ Chiên, Hàm Luông... Nhiều cầu cảng, sân bay, một số tuyến thủy nội địa, hàng hải đã được đầu tư mới hay cải tạo, nâng cấp. Đáng chú ý là việc cải tạo, nâng cấp các tuyến thủy nội địa từ các tỉnh Tây Nam bộ lên TP HCM và đi Campuchia; Đặc biệt là, tuyến luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố) mới được nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu biển trọng tải 10 - 20 nghìn DWT.

Được biết, toàn vùng hiện có 2.167 cảng sông và bến xếp dỡ. Trong đó, chủ yếu là cảng sông nhỏ và hầu như không có cảng container chuyên dùng. Chỉ có vài cảng có khả năng tiếp nhận hàng container hạn chế với quy mô nhỏ, thiết bị thô sơ và năng suất thấp.

Một rào cản lớn khác theo Thứ trưởng Nhật là việc các tuyến giao thông thủy tại đây tuy dày đặc nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh vùng Tây Nam bộ phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đủ lớn để đảm bảo cho số phương tiện đang tăng nhanh chóng. Thực tế, con kênh này đã bị ùn tắc trong suốt thời gian dài. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các kênh Chợ Lách, Lấp Vò, Rạch Sỏi... Điều này không những làm tăng chi phí kho vận cho các chủ hàng, DN xuất nhập khẩu mà còn dẫn đến nguy cơ mất ATGT.

Mặc dù, kênh Chợ Gạo đã được hoàn thành nâng cấp mở rộng giai đoạn 1 nhưng cần phải tiếp tục nâng cấp giai đoạn 2 mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, cũng vì hạn chế về năng lực cảng biển và tuyến thủy nội địa nên gần 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải thông qua hệ thống cảng Đông Nam bộ. 70% lượng hàng hóa trên vẫn phải chuyển tải về các cảng TP HCM và Cái Mép bằng đường bộ. Đối với vận tải container, tỷ lệ này lên tới gần 90%.

Vận chuyển đường bộ đổ dồn lên TP.HCM khiến cho chi phí logistics của hàng hóa xuất nhập khẩu trong vùng tăng cao. Mỗi tấn lúa gạo xuất khẩu vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP.HCM phải đội giá lên từ 7-9 USD/tấn so với vận chuyển bằng đường thủy…

Đầu tư mạnh hạ tầng giao thông

Tại hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ngày 22/8 tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để tạo đà cho KT-XH phát triển, ngành GTVT kết hợp với các địa phương trong vùng tiến hành rà soát lại quy hoạch cho phù hợp với thực tế; Tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm có tính chất động lực, giải quyết các nút thắt kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số công trình cần tập trung đầu tư xây dựng trong thời gian tới như: Tuyến N1, N2, QL1, cao tốc TP.HCM – Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển; QL60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với TP.HCM; Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp các tuyến trục ngang và các cầu lớn như: Vàm Cống, Cao Lãnh, Đại Ngãi và Rạch Miễu 2... Cùng đó, cần tiếp tục ưu tiên vốn nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện tại, triển khai giai đoạn 2 tuyến kênh Chợ Gạo, từng bước giải quyết xử lý các cầu có độ tĩnh không thấp; Hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông tại vùng Tây Nam bộ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại đây; Xây dựng và ban hành cơ chế bảo lãnh doanh thu cho các dự án theo hình thức BOT, PPP, BTO phù hợp điều kiện đặc thù thời gian hoàn vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Đề xuất cơ chế đặc thù sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 đặc biệt đối với các công trình của Bộ GTVT quản lý cho vùng Tây Nam bộ; Thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhằm đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông trong vùng mang tính chuyên nghiệp; Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong nhóm đang phát triển nhưng có chỉ số cạnh tranh PCI cao; Tạo điều kiện thuận lợi và định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư ODA cao cho các địa phương trong vùng...

Ngân Anh

Quay lại