Xuất bản thông tin
Tuyến luồng huyết mạch đường thủy quan trọng và duy nhất nối hàng nghìn người dân, ngư dân trên huyện đảo Bạch Long Vĩ với đất liền Hải Phòng và ngược lại đang trong tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do "bến chưa ra bến, luồng chưa ra luồng". Ngay cả phương tiện chở khách cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tàu Bạch Long chở khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vĩ neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ.
Cách xa bờ hơn 100 km, Bạch Long Vĩ là huyện đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Huyện đảo có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, nhất là trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển Đông. Bạch Long Vĩ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện theo Nghị định số 15/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 12-1992.
Gần 25 năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương và TP Hải Phòng, Bạch Long Vĩ đã phát triển mạnh mẽ trong công cuộc kiến thiết đảo trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Bắc Bộ. Để có được những công trình quy mô phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống ổn định của hàng nghìn cư dân trên đảo như hiện nay, thì tuyến đường thủy huyết mạch từ Hải Phòng ra đảo và ngược lại đóng vai trò quan trọng và duy nhất. Trên tuyến luồng này, thường xuyên có các tàu chở khách, tàu vận tải hàng hóa và hàng trăm tàu cá, tàu dịch vụ của bà con ngư dân khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh phía nam qua lại. Điểm đến tại đảo duy nhất vẫn là âu cảng Bạch Long Vĩ.
Điểm bất cập hiện nay ở chỗ, tuyến đường thủy từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ vẫn chưa được công bố và quản lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30-7-2013 của Bộ Giao thông vận tải, tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Bạch Long Vĩ được công bố theo quy định của pháp luật về vận tải đường thủy nội địa. Cảng bến, phương tiện và thuyền viên đang hoạt động trên tuyến vận tải thủy này phải đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành chậm nhất ba năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ ít ngày nữa là đến thời hạn theo quy định, tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vĩ vẫn chưa được công bố cả về luồng tuyến lẫn cảng bến và phương tiện, thuyền viên,...
Ngay ở phía bờ Hải Phòng, tuyến giao thông thủy cũng chưa có cảng bến chính thức, ổn định. Phía đảo Bạch Long Vĩ chưa có hệ thống báo hiệu luồng ra vào âu tàu. Theo Giám đốc Ban quản lý cảng và khu neo đậu tàu Bạch Long Vĩ Lương Thanh Hải, hiện các phương tiện ra vào âu tàu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của thuyền trưởng và người điều khiển phương tiện. Do vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp tàu bị va vào bãi cạn do không thông thạo luồng ra vào âu tàu, nhất là trong những thời điểm thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Thậm chí đã có những thuyền đi đánh lưới quanh đảo không xác định được phương hướng do không có mốc phao tiêu báo hiệu, bị trôi dạt nhiều ngày trên biển,…
Nhiều năm qua, việc đi lại giữa huyện đảo và đất liền chủ yếu trông chờ vào con tàu Bạch Long do Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng quản lý và khai thác. Tàu Bạch Long này có công suất rất nhỏ, sức chở chỉ 73 người và năm tấn hàng hóa, không có khả năng chống chịu sóng to, gió lớn. Trung bình, mỗi tháng có hai chuyến tàu ra đảo. Những ngày biển êm, gió lặng, từ bờ ra đến đảo, tàu phải mất chí ít từ bảy đến chín giờ đồng hồ. Vào thời điểm gió mùa, biển động, tàu đành buông neo ở bến và chờ đợi cả tháng trời mới ra được đảo. Nhiều khi, có việc cần kíp, cán bộ và nhân dân trên đảo đành phải cậy nhờ các tàu cá, tàu dịch vụ để đi lại. Khi đó, tàu đánh cá nghiễm nhiên trở thành tàu vận tải hành khách, thậm chí nhiều trường hợp đưa người bệnh vào đất liền cấp cứu cũng phải vận chuyển bằng tàu đánh cá của ngư dân.
Trước nhu cầu đi lại an toàn của cán bộ, nhân dân huyện đảo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo, cũng như cứu hộ, cứu nạn trên biển, từ đầu năm 2013, dự án đóng mới một tàu lớn phục vụ tuyến vận tải này được triển khai. Tàu này có trọng tải 200 tấn, năng lực chở 200 người và 50 tấn hàng hóa, công suất máy lớn, hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7; gió cấp 8, cấp 9, rút ngắn thời gian hành trình chỉ còn khoảng năm giờ, dự kiến hoàn thành sau gần một năm. Thế nhưng, đến nay đã hơn ba năm trôi qua kể từ khi khởi công, con tàu này vẫn đang nằm trên đà, dở dang do thiếu vốn.
Mới đây, ngày 16-6, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có công văn hỏa tốc đôn đốc việc công bố luồng tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vĩ và cảng bến theo quy định. Đã đến lúc, các ngành chức năng và TP Hải Phòng cần sớm giải quyết những vướng mắc, khắc phục những bất cập nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trên tuyến đường thủy Hải Phòng - Bạch Long Vĩ.
Theo Quang Dũng (Báo Nhân dân)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương