Xuất bản thông tin
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, cả nước có 300 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Đường thủy nội địa không xảy ra TNGT. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 01 vụ (-100%), không tăng không giảm số người chết, giảm 01 người bị thương (-100%).
Có 300 người chết vì TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân. |
TNGT giảm mạnh so với cùng kỳ
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, theo báo cáo từ Cục CSGT (Bộ Công an) trong 9 ngày nghỉ Tết (từ 06/02- 14/02, tức 28 - mùng 7 Tết) toàn quốc xảy ra 408 vụ tai nạn, làm chết 300 người, bị thương 380 người.
Trong đó, Đường bộ xảy ra 403 vụ, làm chết 297 người, bị thương 376 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 122 vụ (-23,2%), giảm 11 người chết (-3,6%), giảm 129 người bị thương (-25,5%).
Đường sắt, xảy ra 5 vụ, làm chết 3 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 05 vụ (-50%), giảm 06 người chết (-66,7%), tăng 1 người bị thương (+33,3%).
Đường thủy nội địa không xảy ra TNGT. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 01 vụ (-100%), không tăng không giảm số người chết, giảm 01 người bị thương (-100%).
Trong đó tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ làm 6 người chết và 14 người bị thương, so với cùng kỳ 2015 giảm 2 vụ, giảm 8 người chết, tăng 3 người bị thương.
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, ông Khuất Việt Hùng, cho biết, số vụ, số người chết, số người bị thương giảm mạnh, giảm 128 vụ (-23,8%), giảm 17 người chết (-5,4%), giảm 129 người bị thương (-25,3%).
Về tình hình ùn tắc giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết, ông Hùng cho biết, trong những ngày tết, tại TP.Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua đoạn có các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm, không có tình trạng đua xe trái phép. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm so với các ngày thường. Tuy nhiên, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.
Về công tác xử phạt vi phạm Luật giao thông đường bộ, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý hơn 27.600 trường hợp vi phạm trật tượ ATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước 7,7 đồng; tạm giữ 76 xe ô tô, hơn 7.300 xe mô tô.
Đáng chú ý là trong 9 ngày Tết, số lượt phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia gần 280 lượt, giảm đột biến so với cùng kỳ Tết Ất Mùi năm 2015, giảm 920 lượt (-76,67%); chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ mùng 5 - 6/2/2016 (ngày 27 và 28 Tết) và từ ngày 12 -14/02/2016. Nội dung phản ánh của người dân phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông.
"Ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, giải tỏa ùn tắc, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe…được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.", ông Hùng khẳng định.
Đảm bảo tốt ATGT trong mùa Lễ hội
Để đảm bảo công tác trật tự ATGT tại các địa bàn lễ hội xuân 2016, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Uỷ ban ATGT Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số số 2313 về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội xuân 2016.
Trong đó, yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định; người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài đô thị và khu vực nông thôn; có phương án tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn có lễ hội.
Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, đồng thời, phối hợp với Công an các địa phương xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT và hoạt động vận tải hành khách qua số điện thoại đường dây nóng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra an toàn giao thông tại các nhà ga, bến xe, bến tàu, bến đò; kiên quyết đình chỉ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, nhất là chiều từ Bắc vào Nam và hoạt động vận tải phục vụ Lễ hội, ngăn chặn tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên phản ảnh tình hình vận tải và trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy, tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc, tai nạn đường ngang đường sắt, đường thuỷ nội địa; hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng quy định, hướng dẫn vận động người dân lựa chọn dịch vụ vận tải công cộng có uy tín, hạn chế sử dụng mô tô, xe máy khi tham dự Lễ, Hội.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự ứng trực thường xuyên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là các tuyến kết nối với TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện phương án bố trí, huy động lực lượng cảnh sát giao thông tại các khu vực cửa ngõ thành phố, các khu vực tổ chức lễ hội xuân, có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, kiên quyết không để ùn tắc giao thông kéo dài. Chỉ đạo Công an, Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố tăng cường lực lượng phối hợp với UBND địa phương nơi diễn ra Lễ hội có chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra Lễ hội...
Ủy ban ATGT Quốc gia tổ sẽ tổ chức các Đoàn kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tại các địa phương có số người chết do TNGT tăng cao; tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm trật tự ATGT tại các địa phương có các Lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch và dự lễ hội.
Theo Trần Duy (Báo Giao thông)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương