Xuất bản thông tin
Chiều ngày 20/8, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã có buổi làm việc vớiUBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Việt Nam và đồng chí Đặng Quốc Khánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc.
Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa Hà Tĩnh có chiều dài trên 437 km. Mật độ sông là 7,2km/100km2, thấp hơn mật độ bình quân đường sông của cả nước. Hiện nay, đường sông do Trung ương quản lý là 88,5km; đường sông địa phương do Sở GTVT trực tiếp quản lý là 166km.Các tuyến còn lại do UBND cấp huyện quản lý. Hầu hết các sông ở Hà Tĩnh mang đặc điểm chung của sông ngòi khu vực Miền Trung là chiều dài khai thác vận tải ngắn, độ dốc lớn,... Hà Tĩnh là một trong các địa phương đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh sớm nhất trong toàn quốc, quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủy nội địa tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 11/2012. Thời gian qua, hệ thống cảng, âu tàu, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đã có tác động tích cực trong việc vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm tải cho vận tải đường bộ. Về công tác quản lý, các tuyến sông do Trung ương quản lý được đảm bảo khai thác có hiệu quả; các tuyến sông do tỉnh và huyện quản lý, với đặc thù ngắn và dốc, vào mùa khô có nhiều đoạn sông bị cạn, do đó hiệu quả khai thác không cao, hơn nữa nguồn kinh phí quản lý do tỉnh cấp nhưng hạn hẹp nên hệ thống báo hiệu chưa đầy đủ, một số đoạn tuyến bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét. Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đao nên từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đánh giá cao công tác quản lý, quan tâm đầu tư phát triển giao thông vận tải đường thủy của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Đường thủy, chỉ đạo cho rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa của địa phương cho phù hợp với các quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa mới được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Đề nghị Ban an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với bến khách, phương tiện và người lái phương tiện tại khu du lịch chùa Hương Tích trên hồ Nhà Đường, tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy nội địa; Rà soát, tổng hợp các bến khách ngang sông, các trường học có số lượng lớn học sinh hàng ngày phải qua sông đến lớp để phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư cặp, phao, áo cứu sinh, thuyền...để cấp cho các địa phương có nhiều học sinh phải đi học bằng đò. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cảng, bến thủy nội địa và các phương tiện thủy chở vật liệu xây dựng, chống quá mới, quá tải. Tại buổi làm việc, CụcĐTNĐ Việt Nam cũng đề cập đến sự cần thiết để thành lập Chi cục ĐTNĐ miền Trung, công tác quản lý và khôi phục tuyến kênh Nhà Lê phục vụ vận tải…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Quốc Khánh - Phó chủ tịch UBD tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Cục đường thủy nội địa Việt Nam trong thời gian qua đối với Hà Tĩnh. Đồng chí nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác, phát triển cảng, bến thủy nội địa và công tác đảm bảo trật tự giao thông đường thủy. Tuy nhiên để quản lý và khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển giao thông vận tải đường thủy, đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, Cục đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hà Tĩnh trong việc rà soát lại hệ thống đường thủy nội địa. Hỗ trợ Hà Tĩnh trong lĩnh vực xã hội hóa đầu tư quản lý các tuyến sông được ủy thác. Quan tâm thực hiện các dự án nạo vét các tuyến sông lớn, đầu tư xây dựng các hệ thống bến cảng sông pha biển để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào,... Về phía tỉnh, đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch, trong đó ưu tiên hệ thống cảng đầu mối. Từ đó có kế hoạch đề xuất cụ thể và đề xuất lại phương án xã hội hóa đầu tư. Về quản lý nhà nước thì các ngành, các địa phương cần tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, quản lý phương tiện đường.
Mỹ Dung - Anh Tuấn
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương