Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Tất cả dự án nạo vét luồng đường thủy sẽ đấu thầu công khai
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Kể từ năm 2018, tất cả các dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia đều phải được đấu thầu rộng rãi và do chính quyền cấp phép, quản lý.

3

Các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm tới đây sẽ do chính quyền các địa phương cấp phép, trực tiếp quản lý

Dự án cấp bách được tái hoạt động

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, đến trước thời điểm tháng 2/2017, trên các tuyến đường thủy quốc gia có 15 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đang triển khai và được yêu cầu tạm dừng để chờ hoàn thiện các điều kiện, thủ tục quy định về pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng. Từ đó đến nay, các nhà đầu tư đều chấp hành nghiêm yêu cầu, di dời toàn bộ thiết bị thi công, máy móc khỏi phạm vi dự án. Hiện, cũng không có dự án nạo vét luồng nào được cấp mới.

Liên quan đến các dự án đang tạm dừng, ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng Phòng KH&ĐT Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ Việt Nam đang tiến hành rà soát, đánh giá để chấp thuận cho một số dự án tiếp tục triển khai trở lại sau mùa mưa bão 2017.

"Các dự án xã hội hóa nạo vét đầu tư đã được thực hiện thí điểm trong thời gian qua thực chất là hình thức đối tác công - tư (PPP), nhưng do đạt được hiệu quả tài chính nên Nhà nước mới không phải bỏ vốn vào dự án. Trước đây, các nhà đầu tư bỏ toàn bộ chi phí để thực hiện dự án, tới đây khi chuyển sang hình thức đấu thầu, cần phải có nguồn vốn từ Nhà nước để chuẩn bị đầu tư, giám sát thực hiện dự án".

Ông Vũ Mạnh Hùng
quyền Trưởng phòng 
KH&ĐT Cục ĐTNĐ Việt Nam

"Sau mùa mưa bão sẽ kiểm tra, đánh giá lại để có cơ sở triển khai tiếp các dự án có tính cấp bách và bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường, với sự thống nhất của UBND cấp tỉnh nơi có dự án. Điều này cũng bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư", ông Hùng nói và cho biết Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ làm việc với từng địa phương để thống nhất cách thức quản lý dự án, chuyển giao toàn bộ hồ sơ dự án cho địa phương.

"Các địa phương sẽ thực hiện việc cấp phép cho dự án được hoạt động tiếp", ông Hùng nói và cho biết, gần đây nhiều nhà đầu tư liên tục gửi văn bản tới Cục ĐTNĐ Việt Nam đề nghị được triển khai dự án theo hợp đồng đã ký kết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Ngọc Quang, Công ty CP Cát Đại Lợi cho biết: "Để thực hiện được dự án, chúng tôi phải trải qua rất nhiều thủ tục, hồ sơ và nộp đầy đủ các khoản phí, thuế theo quy định. Khi được yêu cầu tạm dừng, chúng tôi chấp hành đúng theo yêu cầu của Cục ĐTNĐ Việt Nam, bổ sung các yêu cầu về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện thi công, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi về việc dự án có được triển khai tiếp hay không, rất mong được triển khai tiếp theo hợp đồng để bù đắp các chi phí đã bỏ ra".

Địa phương cấp phép, quản lý dự án

Cũng theo ông Vũ Mạnh Hùng, thời gian qua hình thức dự án xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng đường thủy được triển khai ở cả tuyến đường thủy quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, hiện do chưa có cơ chế chấp thuận, quản lý thống nhất trên toàn quốc nên dẫn đến những diễn biến phức tạp. Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý nạo vét luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa để tạo sự công khai, minh bạch trong lĩnh vực này và thu hút được nguồn lực xã hội. Nội dung dự thảo sẽ bao gồm điều chỉnh cả loại hình nạo vét luồng, vùng nước cảng bến đường thủy dùng vốn ngân sách, vốn xã hội hóa trên phạm vi toàn quốc.

"Hiện, hình thức đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy mới chủ yếu được điều chỉnh bởi quy định tại thông tư của Bộ GTVT. Tới đây sẽ được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ, trong đó thẩm quyền cấp phép dự án sẽ do chính quyền địa phương và được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Các quy định quản lý hình thức đầu tư này cũng phân định rõ vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, địa phương trong công tác quản lý và rõ ràng về cơ chế đối với khoáng sản tận thu", ông Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng điều chỉnh cả loại hình mỏ khai thác khoáng sản trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hạ tầng, luồng đường thủy (như kiểm soát phương tiện thủy, khoáng sản vận chuyển từ mỏ...). Về phía Cục ĐTNĐ Việt Nam, khi đó sẽ thực hiện vai trò giám sát trong công tác cấp phép và việc tuân thủ các quy định trong thực hiện dự án.

Khẳng định các dự án xã hội hóa trong những năm tới sẽ được đấu thầu triển khai, nhưng đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, vấn đề là chưa xác định được nguồn kinh phí để chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, cũng như kinh phí tổ chức giám sát các dự án.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một số nhà đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy đồng tình với hình thức đấu thầu triển khai dự án. "Chúng tôi mong thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu để không phải lo toàn bộ các thủ tục, hồ sơ, thủ tục ban đầu và hạn chế được rủi ro trong trường hợp dự án không được triển khai. Đấu thầu sẽ là cách để loại bỏ "xin, cho" và giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính đỡ bị mang tiếng oan, chịu điều tiếng xấu chung do nhà đầu tư khác, dự án khác gây ra như ttrong thời gian vừa qua", ông Nguyễn Tiến Tùng, đại diện nhà đầu tư dự án nạo vét luồng sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết.

Theo Báo Giao thông

Quay lại