Xuất bản thông tin
Theo Phó Giám đốc sở GTVT Hồ Chí Minh, sắp tới Sở sẽ triển khai hai tuyến buýt đường sông để nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa, giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông đường bộ.
Dự kiến vào tháng 6 tới, tuyến buýt đường sông đầu tiên sẽ đưa vào hoạt động trên sông Sài Gòn - Bạch Đằng quận 1- Linh Đông quận Thủ Đức. Đến tháng 9, tuyến buýt thứ hai cũng sẽ đưa vào khai thác từ bến Bạch Đằng đi quận 8. Giá vé dự kiến sẽ là 15.000 đồng/lượt. Khi đưa vào khai thác, tuyến buýt đường sông sẽ kết nối với tuyến buýt đường bộ, để khi hành khách đến Bạch Đằng sẽ có xe buýt đưa đến các điểm trong thành phố.
Theo quy hoạch, tuyến số 1 từ Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức) dài gần 11km. Trên lộ trình chạy có tổng cộng 7 bến đỗ thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng quận 1 đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, sau đó kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới phường Linh Đông, quận Thủ Đức và ngược lại.
Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại.
Theo tính toán của chủ đầu tư, trong giai đoạn đầu sẽ trang bị 10 tàu với sức chở tối thiểu 60 chỗ. Với khoảng cách 11 km, thời gian di chuyển sẽ là 30 phút/chuyến, ước tính mỗi ngày 2 tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển khoảng 5.000 khách.
Theo ông Lâm, 2 tuyến buýt đường sông khai thác trên tàu hiện đại, an toàn do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư theo hợp động BOT.
New articles
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050