Xuất bản thông tin
Dọc các tuyến sông, kênh rạch ở TP.HCM, hàng loạt bến thủy nội địa không phép, ngang nhiên hoạt động gây mất ATGT.
Phương tiện ghe gỗ neo đậu tấp nập tại bến thủy nội địa chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Q 8 |
Dọc các tuyến sông, kênh rạch ở TP.HCM, hàng loạt bến thủy nội địa không phép, ngang nhiên hoạt động gây mất ATGT. Thế nhưng, cơ quan quản lý đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý và tạm giữ các phương tiện này.
"Nhà nổi" trên sông Chợ Đệm
Trung tuần tháng 9, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát và ghi nhận thực tế tại bến thủy nội địa chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8). Tại đây, tình trạng các phương tiện ghe gỗ neo đậu và buôn bán trên khu vực chợ đầu mối diễn ra lộn xộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động ra - vào cảng.
Tương tự, tại Bến thủy nội địa Cầu Mống, bờ trái rạch Bến Nghé (phường 12, quận 4), bến thủy của Công ty TNHH Thường Nhật cũng xuất hiện nhiều thuyền neo đậu trái phép. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, bến thủy nội địa này không hề có giấy phép hoạt động theo quy định. Ông Nguyễn Văn Trung, nhân viên bảo vệ hầm tháp thông gió ngay sát cầu Mống cho biết: "Ngày nào tôi cũng chứng kiến có vài chiếc thuyền neo đậu tại đây. Họ đậu để bắt khách vãng lai, những người có nhu cầu du ngoạn trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Đa phần người đến đây đi thuyền là khách nước ngoài. Tôi đã nhiều lần gọi điện cho Công an quận 1 đến xử lý nhưng đâu lại vào đấy".
Trên kênh Rạch Đỉa, quận 7 (gần công viên Panorama) cũng có nhiều cano neo đậu trái phép. Các phương tiện này "trùm mền" nằm chờ khách. Khách muốn đi phải gọi điện đặt trước. Đây là khúc sông rất đẹp bao quanh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nên thu hút nhiều người nước ngoài đến thưởng ngoạn sông nước.
Cũng cần nói thêm, ngoài việc đưa rước khách, nhiều bến thủy nội địa không phép trên địa bàn TP HCM còn tổ chức khai thác cát trái phép. Các bến này chủ yếu ở các quận, huyện như: Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, quận 2, quận 9…
Khó khăn khi tạm giữ phương tiện
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) TP.HCM cho biết, cuối tháng 8 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở GTVT, Công an quận 8 ra quân xử phạt các phương tiện neo đậu trái phép khu vực chợ đầu mối Bình Điền phát hiện 9 phương tiện vi phạm. Các lỗi chủ yếu là khai thác bến thủy nội địa và đưa phương tiện vào bến khai thác chưa được cấp phép.
Theo Sở GTVT TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 329 bến thủy nội địa hoạt động có phép và còn tồn tại 85 bến hoạt động không phép. Trong đó có 45 bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng (12 bến nằm trong hành lang bảo vệ cầu, luồng chạy tàu… không thể cấp phép và 33 bến chưa có các thủ tục pháp lý). 10 bến thủy không hoạt động thường xuyên (đưa rước hành khách ra tàu biển). 30 bến thủy bơm cát hoạt động thời gian ngắn. Năm 2015, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm 1.743 trường hợp với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Riêng từ tháng 1-8/2016, đã xử phạt 335 vụ với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó có 179 vụ vi phạm về hoạt động bến thủy không có giấy phép, xử phạt 880 triệu đồng. |
Sau khi xử phạt, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị các chủ ghe cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố tai nạn. Đồng thời, yêu cầu Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - chủ bến vận động chủ phương tiện ghe gỗ không đảm bảo điều kiện hoạt động di dời khỏi khu vực bến.
Theo ông Tuấn, trước mắt sẽ tuyên truyền các quy định về Luật Giao thông ĐTNĐ cho các chủ phương tiện ở khu vực này. Sau một thời gian, nếu các chủ phương tiện không chấp hành sẽ xử lý, giải tỏa theo quy định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, những trường hợp vi phạm phần lớn đến từ các tỉnh Long An, Vĩnh Long. Khi xử phạt, đóng tiền xong họ lại tiếp tục tái phạm. Do vậy, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ phương tiện, nhưng quá trình tạm giữ gặp rất nhiều khó khăn. "Đối với ghe gỗ đã xuống cấp, quá trình tạm giữ rất dễ hư hỏng, vì theo quy định, cơ quan bắt giữ phải chịu trách nhiệm về tài sản thu giữ. Với những tàu trên 100 tấn lại càng khó khăn trong quá trình di chuyển vì phải thuê người hạ tải rồi phải chờ dòng chảy, thủy triều mới di chuyển được. Trong khi không có bãi tạm giữ và không có người trông coi phương tiện vi phạm. Đó là chưa kể nhiều phương tiện tự đánh chìm khi gặp cơ quan kiểm tra", ông Hận nói.
Đỗ Loan
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương