Xuất bản thông tin
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Ủy ban Nhân dân thành phố phương án đầu tư dự án vận tải khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO).
Một đoạn kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, trong tương lai sẽ có tuyến vận tải đường thủy số 2. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN
Theo đó, dự án đi qua địa bàn các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.
Dự án có tổng vốn đầu tư đề xuất 124,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 20%, còn lại là thuê mua tài chính và tín dụng.
Mục tiêu của 2 tuyến vận tải đường thủy nội địa là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.
Ngoài ra, việc triển khai dự án còn nhằm khai thác lợi thế về mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển tại thành phố (tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải khoảng 1.000km).
Tuyến số 1 (Bạch Đằng-Linh Đông), dài 10,8 km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.
Tuyến có 7 bến đón trả khách. Trong khi đó tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), dài khoảng 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6) và ngược lại. Tuyến số 2 cũng có 7 bến trả đón khách.
Cũng theo đề xuất trên, giai đoạn từ nay đến 2020 đầu tư 10 phương tiện có sức chứa 60 chỗ cho tuyến số 1 và 30 chỗ cho tuyến số 2; giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.
Dự tính nếu được thông qua thì dự án sẽ được thực hiện từ năm 2015 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2016.
Theo Vietnam+
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương