Xuất bản thông tin
Ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa tổ chức thu hồi hơn 200 bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất do cơ quan này cấp từ giữa năm 2019 tại khu vực phía Nam. Lý do là khi Chi cục Đường thủy phía Nam kiểm tra lại các hồ sơ thi thấy nghi vấn vì nhiều thí sinh có bằng PTTH được cấp cùng tại một cơ sở đào tạo ở Cần Thơ.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một số cơ sở đào tạo thuyền viên, nghề đường thủy cho biết, khá nhiều trường hợp gian lận, làm giả hồ sơ để thi nâng hạng bằng thuyền viên. Tuy vậy, việc cùng lúc có tới hơn 200 hồ sơ thuyền viên cùng gian lận có thể nhằm chạy trước quy định mới về đào tạo, sát hạch thuyền viên. Bởi từ 1/1/2020, theo quy định tại Thông tư 40/2019 của Bộ GTVT (về thi, kiểm tra, cấp bằng thuyền viên đường thủy…) việc thi lấy bằng thuyền viên sẽ khó hơn. Đề thi lý thuyết tổng hợp lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng tăng số câu hỏi từ 25 lên 30 câu, người thi phải trả lời đúng từ 25 câu trở lên mới đạt yêu cầu và áp dụng chung cho các hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng.
"Ngoài tăng số câu hỏi đề thi, sắp tới thi lấy bằng thuyền viên đường thủy còn áp dụng chọn đề ngẫu nhiên, thi và chấm thi tự động bằng máy tính như đối với đường bộ. Vì vậy, việc thi lấy bằng sẽ thực chất hơn, tỷ lệ trượt sẽ cao hơn nhưng chất lượng đào tạo, bằng thuyền viên chắc chắn tốt hơn", ông Bùi Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường cao đẳng GTVT đường thủy II cho biết.
"Hiện đường thủy đang phát triển nhanh đội ngũ tàu SB chạy ven biển, cũng như ngày càng nhiều phương tiện trọng tải lớn, trang thiết bị hiện đại, yêu cầu an toàn cao hơn nên việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng thuyền viên là cần thiết", ông Thiện nói thêm.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, đến nay đã cấp hơn 432.600 bằng thuyền trưởng, máy trưởng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đường thủy các loại, tương ứng với gần 46% số phương tiện thủy (theo số liệu điều tra năm 2007). Cùng với việc đổi mới đào tạo, sát hạch, từ năm 2020 việc quản lý thuyền viên cũng chặt chẽ hơn, góp phần nâng chất lượng thuyền viên.
"Trước năm 2015, bằng thuyền trưởng, máy trưởng được cấp không xác định thời hạn sử dụng. Song theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, hết năm 2019 các bằng trên phải đổi sang bằng mẫu mới, có thời hạn sử dụng 5 năm. Trường hợp quá hạn không đổi phải thi lại, thậm chí không còn giá trị sử dụng", đại diện Cục Đường thủy nội địa cho biết.
Theo Baogiaothong
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương