Xuất bản thông tin
Mục tiêu quan trọng nhất của ngành Đường thủy là tăng thị phần vận tải và giảm giá cước cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam tăng cường đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị các địa phương giải quyết các vấn đề về đường thủy theo thẩm quyền |
Ngày 14/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị sơ kết nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối của năm 2016 của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc, với sự tham gia của các Cục, Vụ của Bộ GTVT, các đơn vị trong ngành đường và đại diện của 19 Sở GTVT các địa phương.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách trong 9 tháng đầu năm 2016 đều tăng so với năm trước. Trong đó, vận tải hàng hóa đạt hơn 160 triệu tấn, tăng 6,2%, còn vận tải khách là 123,97 triệu lượt người, tăng 5,6%. Riêng vận tải ven biển dành cho tàu sông pha biển cấp VR-SB (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang), tại các cảng, bến thủy nội địa là hơn 11,8 triệu tấn hàng, tăng 241% về lượt phương tiện ra, vào cảng và tăng 236% về tấn hàng hóa. Bên cạnh đó, tình hình trật tự ATGT đường thủy trong 3 tháng gần đây có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ biểu dương, ghi nhận tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Cục ĐTNĐ Việt Nam và các đơn vị đã thực hiện một loạt các giải pháp, góp phần đạt được tăng trưởng vận tải đường thủy và bảo đảm trật tự ATGT. Thứ trưởng cho rằng, mục tiêu cuối cùng trong phát triển vận tải thủy là phải tăng trưởng vận tải thủy và mọi giải pháp đều phải hướng đến mục tiêu này.
"Ngành Đường thủy đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các giải pháp, nhiệm vụ của ngành đường thủy đều cần hướng đến tăng thị phần vận tải đường thủy để giảm giá thành vận tải chung. Trong quý IV/20106, Cục ĐTNĐ Việt Nam phải xác định nhiệm vụ đưa vận tải thủy tăng trưởng cao trong 5 phương thức vận tải", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Để thúc đẩy vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo: Ưu tiên số một hiện nay là xây dựng, hoàn thiện nghị định quy định về quản lý kinh doanh vận tải thủy và quản lý cảng bến, luồng tuyến. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thế phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường thủy. Ngay tại hội nghị, Thứ trưởng chỉ đạo gỡ bằng được một số vướng mắc hiện nay liên quan đến thủ tục hải quan, biên phòng trên tuyến vận tải thủy trọng điểm như tuyến liên vận Việt Nam - Campuchia tại phía Nam, về kết nối vận tải thủy với cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đôn đốc cải tạo thông luồng sông Đồng Nai, đồng ý cho thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trên phương tiện thủy tại TP.HCM...
Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang, một trong những điểm yếu hiện nay là công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường thủy theo Luật Giao thông ĐTNĐ ở nhiều địa phương có sự lỏng lẻo, chồng chéo, là yếu tố khiến đường thủy chưa phát triển. Nhiều địa phương chưa thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền quản lý theo quy định của luật; thiếu chủ động, quan tâm phát triển, quản lý đường thủy, cũng như không quan tâm phối hợp với ngành đường thủy.
"Trong quý IV/2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ (sửa đổi, bổ sung), nhằm đánh giá và kêu gọi các địa phương cùng đồng hành với ngành đường thủy để quản lý đường thủy theo luật, đưa vận tải đường thủy phát triển", ông Giang nói.
H.Lộc
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương