Ngày 26-1, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đóng góp ý kiến về Dự thảo, ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept, đề xuất đẩy mạnh phát triển thủy nội địa.
Theo ông Long, Việt Nam là nước đường bờ biển dài, hệ thống mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vận tải thủy nội địa có nhiều ưu thế song hiện mới chỉ chiếm 20% vận tải cả nước. Vì vậy, cần có chiến lược cụ thể để đẩy mạnh.
"Phí vận chuyển 1 container hàng từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP HCM chỉ mất phí 2,5 triệu đồng nếu dùng vận tải thủy nội địa, trong khi vận chuyển bằng đường bộ mất tới 7 triệu đồng" – ông Long dẫn chứng bất cập trong chi phí logistics hiện nay.
Về mục tiêu phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GDP đạt 12 – 15%, ông Long cho rằng khá tham vọng. Lý do, 12% là con số rất lớn, cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho rằng dự thảo cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và logistics xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.
Bên cạnh đó là các mục tiêu về chuyển đổi số, cần đặt mục tiêu phối hợp cụ thể với các cơ quan như thuế, hải quan. Ngoài ra, ngành cần có mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực, cải tiến chương trình đào tạo sát với thực tiễn…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ vị trí 45 trở lên.
Mục tiêu đến năm 2050, tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ vị trí 30 trở lên.
Nguồn:https://nld.com.vn/van-chuyen-1-container-tu-dbscl-ve-tp-hcm-duong-bo-dat-gan-3-lan-duong-thuy-196240126165210997.htm