Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Vấn đề giao thông làm “nóng” diễn đàn MDEC Hậu Giang
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Nhiều kiến nghị về hạ tầng giao thông được được đưa ra tại diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC-Hậu Giang 2016).

1

Hạ tầng giao thông được nhiều đại biểu quan tâm tại diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Hậu Giang 2016.

Ngày 12/7, hội nghị "ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Hậu Giang 2016 (MDEC Hậu GIang) do Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức tại tỉnh Hậu Giang đã trở nên "nóng" về vấn đề hạ tầng giao thông trong khu vực.

Theo đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương) cho biết, ĐBSCL là khu vực còn nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực. Với hơn 700km bờ biển và khoảng 28.000km sông ngòi, ĐBSCL có nhiều cơ sở để hình thành hệ thống giao thông vận tải đường thủy nội địa, các cảng sông, cảng biển và phát triển du lịch. Dù thời gian qua, kinh tế của vùng đã có nhiều chuyển biến về chất lượng cũng như số lượng. Góp phần đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường...

"Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, việc liên kết các tỉnh thành còn lỏng lẻo, chưa xây dựng được chiến lược phát triển... để chủ động hội nhập và phát triển bền vững, trước mắt phải giải quyết cho được những "nút thắt" đang tồn tại", ông Trịnh Minh Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ sớm đẩy nhanh xây dựng một số hạng mục hạ tầng giao thông để giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn giữa các tỉnh ĐBSCL với các thành phố lớn. Xây dựng cảng biển để hàng hóa không phải chờ trong thời gian dài, cải thiện hệ thống logistics...

Còn Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), đã nêu ra những mặt thuận lợi về giao thông của toàn vùng. Theo đó, hạ tầng giao thông trong vùng ĐBSCL đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đa dạng hóa đường bộđường thủy và hàng không. Cụ thể, đường cao tốc TP HCM – Trung Lương đã đưa vào sử dụng 62km, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận đang được triển khai. Về đường hàng không, toàn vùng cũng đã có 4 sân bay, trong đó có hai sân bay quốc tế. Về đường thủy nội địa, cả vùng có khoảng 13.000km đường sông, kênh rạch tàu bè từ 50 đến 100 tấn có thể lưu thông. Về hàng hải, ĐBSCL hiện cũng đang có thể tiếp nhận các tàu biển có tải trọng lên đến hàng ngàn DWT vào sâu trong đất liền.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hạn, mặn đã làm cho nông nghiệp ĐBSCL trong 6 tháng đầu tăng trưởng âm, dẫn tới bình quân của cả nước cũng giảm theo. Trước xu thế hội nhập sâu rộng, thiên tai, tác động biến đổi khí hậu ĐBSCL cần nghiên cứu sâu sắc hơn về 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây.

"Các Bộ, ngành cần nghiên cứu xem liệu có thể sống chung với xâm nhập mặn như sống chung với lũ hay không. Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tranh thủ phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và hệ thống logistic dựa vào các nguồn lực của các tổ chức nước ngoài và xã hội hóa. Phải có chính sách đưa doanh nghiệp về ĐBSCL, gia tăng đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời coi việc giải quyết bài toán thị trường là giải quyết bài toán liên kết nông dân với doanh nghiệp. Cần phải có quan điểm mới, tư tưởng mới và cách làm mới", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Theo Hạnh Nguyễn (Báo Giao thông)

Quay lại