Xuất bản thông tin
29/01/2015 - 17:03 (GMT+7)
Năm 2015, đường thủy nội địa sẽ thoát khỏi tư duy bao cấp đeo bám bấy lâu để kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Với lợi thế giá rẻ, đường thủy sẽ cạnh tranh mạnh với các lĩnh vực vận tải khác.
Đường thủy tại khu vực Lục Đầu Giang (Bắc Ninh và Hải Dương) |
Bỏ được cách làm "giao khoán"
Từ đầu năm 2015 đến nay, 10 Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) còn lại trực thuộc Cục ĐTNĐ VN đã hoàn thành việc chuyển sang doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT. Trước đó, từ năm 2005, năm Đoạn đã được cổ phần hóa xong. Như vậy, từ nay, công tác quản lý bảo trì đường thủy không còn được bao cấp nữa. Cục ĐTNĐ VN không giao khoán như trước mà thông qua đặt hàng, tiến tới cạnh tranh đấu thầu giữa các doanh nghiệp.
Tại cuộc họp tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Cục ĐTNĐ VN ngày 28/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thoái hết phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần quản lý đường thủy để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp đấu thầu, cạnh tranh bình đẳng dịch vụ bảo trì đường thủy.
"Tồn tại lớn nhất của ngành Đường thủy là vẫn còn tư duy cũ, bao cấp, chưa có tư duy định hướng quản lý, phát triển theo kinh tế thị trường. Cuối năm nay, cộng đồng ASEAN ra đời sẽ kết nối các loại hình vận tải, đường thủy nội địa cũng phải chủ động tái cơ cấu để kết nối với cộng đồng ASEAN". Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Bộ trưởng cho rằng: "Thành công của ngành Đường thủy trong năm vừa qua là đã bước đầu cho doanh nghiệp vận tải thấy rằng, vận tải thủy là rẻ nhất và vận tải đang chuyển hướng sang đường thủy. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất của ngành Đường thủy là vẫn còn tư duy bao cấp, nên cần phải thay đổi theo hướng kinh tế thị trường để tạo sự phát triển đột phá".
Theo ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, cổ phần hóa các doanh nghiệp, đấu thầu dịch vụ bảo trì đường thủy là hướng đi đúng, loại bỏ bao cấp và tiết kiệm chi phí bảo trì.
"Khi doanh nghiệp nhận dịch vụ bảo trì đường thủy, họ sẽ đưa ra phương án quản lý tốt nhất và nếu có định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp nhất, có thể tiết kiệm được khoảng 30% chi phí bảo trì so với hiện nay", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, cách đây 10 năm khi bắt đầu thí điểm chuyển đổi một số Đoạn Quản lý ĐTNĐ sang doanh nghiệp cổ phần, hai đơn vị đã tự nguyện chuyển đổi mô hình hoạt động vì thấy trước được lợi ích của việc cổ phần hóa mang lại. Ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, đổi mới phương thức quản lý bảo trì đường thủy sẽ bỏ được bao cấp của Nhà nước trong lĩnh vực bảo trì đường thủy, bỏ được cách làm "giao khoán".
Doanh nghiệp cũng phải tự vận động, thích nghi với kinh tế thị trường. Có thể xã hội hóa mạnh mẽ dịchvụ bảo trì đường thủy nội địa hơn nữa bằng cách bán trọn gói dịch vụ bảo trì phao tiêu, báo hiệu… cho doanh nghiệp. "Nhà nước tính tuổi thọ của phao tiêu, báo hiệu và đưa vào giá thành bảo trì. Khi đó doanh nghiệp nhận bảo trì theo tiêu chuẩn và sẽ tìm cách quản lý tốt nhất để kéo dài tuổi thọ của báo hiệu, như thế Nhà nước có lợi, doanh nghiệp cũng có lãi", ông Định đề xuất.
Gỡ điểm yếu kết nối với đường sắt - đường bộ
Theo chủ trương của Bộ GTVT, lĩnh vực ĐTNĐ bắt đầu bước vào giai đoạn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm cải thiện chất lượng hạ tầng, tạo sự liên thông giữa các tuyến đường thủy. Lần đầu tiên, ngành Đường thủy đã có các dự án đầu tư theo hình thức BOT, đó là dự án đầu tư 1.008 tỷ đồng cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (Bình Dương) gồm hạng mục nâng cao khoang thông thuyền cầu lên 4,5 m và cải tạo 62 km luồng, đảm bảo tàu hơn 300 tấn đi qua.
Trong đó, phần vốn BOT khoảng 852 tỷ đồng. Sắp tới, dự án xây dựng cầu Đuống mới (sông Hồng, Hà Nội) cũng được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, giúp tạo sự liên thông trên hệ thống các tuyến đường thủy khu vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Tổng thư ký Hội cảng, đường thủy và thềm lục địa VN cho rằng, vận tải thủy bấy lâu nay bị "lép vế" còn do không kết nối được với đường sắt và chịu chi phối của đường bộ khiến không phát huy được lợi thế giá rẻ của mình.
"Hàng hóa từ các cảng, bến thủy nội địa phải qua vận chuyển đường bộ mới tới được nhà kho, tới được khu công nghiệp nên chi phí bị đội lên nhiều, thời gian vận chuyển lâu hơn. Vì thế, muốn ưu tiên phát triển cho vận tải đường thủy phải giải quyết được kết nối hệ thống giữa đường thủy với đường sắt", ông Hải nêu vấn đề và cho biết, rất đồng tình với việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bảo trì, quản lý đường thủy vì bản chất là xã hội hóa chức năng quản lý, chứ không phải công tác quản lý Nhà nước.
Tin vui cho các doanh nghiệp vận tải là mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cho phép thí điểm nhượng quyền khai thác vận tải tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng và một số tuyến đường thủy sông Hồng, Đáy, Ninh Cơ cho TCT Vận tải thủy - CTCP để tạo kết nối giữa đường sắt và đường thủy, nhằm tạo sự chủ động kết nối tốt nhất giữa vận tải thủy và đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng.
Theo baogiaothong
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa