Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Xóa vùng trắng đăng kiểm tàu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Nhiều năm qua, gần 150 tàu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đăng kiểm...

4
Bắt đầu có sự chuyển biến rõ nét trong quản lý chất lượng, hoạt động của đội tàu du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Nhiều năm qua, gần 150 tàu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đăng kiểm vẫn ung dung hoạt động. Tuy nhiên, vùng trắng đăng kiểm này đang dần bị xóa bỏ khi từ 1/3/2016, cảng vụ và CSGT kiên quyết cấm tàu rời bến mà không có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký đều bị cưỡng chế quay vào bờ.

Nói không với tàu không đăng kiểm

Giữa tháng 3, đội tàu du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vẫn trong mùa phục vụ khách du lịch tham quan lễ hội thác Bờ. Tuy nhiên, điều khác biệt là từ 1/3/2016, bất cứ phương tiện nào rời bến mà không có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký đều bị cưỡng chế quay vào bờ.

Trước đó, các đơn vị chức năng đã tuyên truyền, thông báo đến tất cả chủ tàu về chủ trương trên, cũng như hướng dẫn chủ phương tiện thủ tục cần thiết để kiểm định chất lượng phương tiện. Ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ tàu HB-0298 đang nằm bờ sửa chữa cho biết, năm nay cảng vụ, cảnh sát giao thông làm "gắt" nên hàng loạt tàu đang khẩn trương sửa chữa để đăng kiểm.

"Cục Đường thủy nội địa VN đang mở cao điểm đảm bảo ATGT phục vụ các lễ hội mùa Xuân, trong đó du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình là một trọng điểm. Theo chỉ đạo của liên Cục Đường thủy - Đăng kiểm, lực lượng của hai ngành và địa phương giáp ranh phối hợp chặt, cùng giám sát việc triển khai để giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn nơi đây".

Ông Lê Đức Cường
Phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II

"Lúc đầu chúng tôi cũng phản ứng vì đang mùa lễ hội lại bị bắt sửa chữa tàu, nhưng nghĩ cũng phải, mình tự ý nới tàu rộng ra, không biết có an toàn không", ông Nhàn nói.

Theo quan sát của PV Báo Giao thông trong buổi sáng 14/3, sau khi đón 30 khách, chủ tàu HB-0789 đành phải xin lỗi, đưa khách lên vì không được cấp lệnh rời cảng do chưa có chứng nhận đăng kiểm. Hay tàu Sông Lô HB-0169 chuẩn bị đưa một gia đình 5 người đi lòng hồ cũng bị từ chối vì lý do trên.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng đại diện cảng vụ đường thủy Hòa Bình (trực thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II), hai tuần đầu thực hiện đã có 8 trường hợp phương tiện bị xử phạt vi phạm hành chính vì lỗi chưa có chứng nhận đăng kiểm nhưng cố tình chở khách du lịch rời cảng, bến.

"Tất cả phương tiện rời bến đều được các lực lượng chức năng có mặt tại bến ghi nhật ký và thông báo lại cho Văn phòng Ban ATGT tỉnh. Trường hợp phương tiện thuộc danh sách "đen" chưa có đăng ký, đăng kiểm mà rời bến, lực lượng chức năng trực tiếp làm việc tại bến sẽ chịu trách nhiệm", ông Sơn nói và cho biết thêm, Ban ATGT tỉnh Hòa Bình thành lập Tổ công tác liên ngành, trong đó cử người giám sát trực tiếp hoạt động vận tải khách du lịch tại lòng hồ.

Được gỡ khó, tàu kiểm định tăng nhanh

Tình trạng tàu du lịch trên hồ Hòa Bình không có chứng nhận an toàn kỹ thuật nhưng vẫn chở khách đã diễn ra từ vài năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn thảm khốc. Bên cạnh việc xử lý vi phạm và không cho tàu rời bến, các ngành chức năng Trung ương và địa phương đồng thời tuyên truyền, vận động, cũng như có biện pháp linh hoạt để tháo gỡ vướng mắc cho chủ phương tiện.

Ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi nhánh đăng kiểm Hà Sơn Bình (Chi cục Đăng kiểm số 1) cho biết, trước tháng 2/2016, địa bàn có 144 tàu chở du lịch quá hạn đăng kiểm hoặc chưa vào đăng kiểm lần nào. Trước đây, các phương tiện này không được cấp chứng nhận kiểm định do tự ý hoán cải, đóng không có thiết kế, không đủ trang thiết bị an toàn, không có hồ sơ… Để giải quyết tình trạng trên, đầu tháng 2/2016, Cục Đăng kiểm VN có văn bản chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu, bằng cách tách phân loại từng phương tiện, xây dựng mẫu phương tiện để hướng dẫn chủ tàu gia cố tàu đảm bảo an toàn. Trong thời gian chờ mẫu, một số phương tiện có khiếm khuyết kỹ thuật nhỏ được cấp chứng nhận đăng kiểm tạm trong 6 tháng. Còn phương tiện có nguy cơ cao về mất an toàn buộc phải bổ sung theo thiết kế.

"Các đăng kiểm viên thường trực tại địa bàn, cùng đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương đến gặp chủ phương tiện để lập hồ sơ, biên bản, hướng dẫn các chi tiết kỹ thuật cụ thể cần thực hiện. Sau khoảng 1 tháng, từ chỗ chỉ 4 phương tiện có chứng nhận kiểm định đến nay đã tăng lên 60 tàu. Với tiến độ này, tình trạng tàu du lịch không đăng ký, đăng kiểm trên lòng hồ thủy điện sẽ được giải quyết dứt điểm", ông Triều nói. 

Theo Báo Giao thông

Quay lại