Xuất bản thông tin
Cục ĐTNĐ Việt Nam đã hoàn thiện văn phòng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để thay cho văn bản giấy.
Các cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam đang thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến bằng tin nhắn điện thoại |
Cục Đường thủy nội địa VN đã nỗ lực đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đạt từ mức độ 3 trở lên, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, để dịch vụ công trực tuyến lan tỏa cần có sự tham gia và đồng bộ giữa cấp Cục và Sở GTVT.
Tiết kiệm 2,2 tỷ đồng cho chủ phương tiện
Sà lan HN-1398 là phương tiện thủy có trọng tải gần nghìn tấn, chuyên chở than từ Quảng Ninh về cảng Phả Lại (khu vực lục đầu Giang, Hải Dương) để phục vụ nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Thuyền viên của phương tiện này hiện đã khá quen với việc làm thủ tục điện tử xin phép vào, rời cảng thông qua tin nhắn điện thoại mà Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam triển khai thí điểm được gần một năm nay. Với cách này, người làm thủ tục chỉ cần một lần nộp các bản sao các giấy tờ cần thiết liên quan đến thuyền viên, phương tiện cho cơ quan cảng vụ đường thủy. Sau đó, mỗi lần vào, rời cảng bến chỉ cần nhắn tin qua điện thoại để được cấp phép và không phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ như thủ tục thông thường. Sau khi tàu cập bến, cảng vụ sẽ đến phương tiện để kiểm tra các điều kiện thực tế và thực hiện các thủ tục cho tàu.
Anh Phạm Văn Hải, thuyền viên của phương tiện trên cho biết, trước kia tàu vào cảng phải neo đậu lại, rồi thuyền viên thuê đò chở lên bờ, đi xe ôm đến cảng vụ để xuất trình giấy tờ phương tiện, thuyền viên đề nghị được cập cảng. Còn với hình thức nhắn tin, chỉ cần thuộc thao tác, cú pháp tin nhắn để cập cảng, sau đó cảng vụ sẽ đến kiểm tra các điều kiện và làm thủ tục cho tàu vào cảng.
"Cục ĐTNĐ Việt Nam đã hoàn thiện văn phòng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để thay cho văn bản giấy và nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công theo cách phù hợp với đặc thù của sông nước. Các cảng vụ đường thủy đang thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy ra vào cảng, bến bằng tin nhắn điện thoại, có cảng vụ đã đạt 40% phương tiện sử dụng phương thức này. Cục đã có kế hoạch cùng Viettel xây dựng phần mềm đơn giản để làm thủ tục dễ dàng, đơn giản nhất. Người làm thủ tục có thể được cung cấp miễn phí phần mềm và chỉ cần một nút nhấn là đăng ký thành công yêu cầu cho phương tiện vào, rời cảng bến." Ông Hoàng Hồng Giang |
"Điện thoại có sẵn rồi, chỉ cần nhắn tin là xong. Tàu muốn vào làm hàng lúc đêm hôm nay trời mưa gió cũng chẳng lo, chỉ cần ở trên tàu nhắn một cái tin, vừa dễ dàng lại vừa đỡ tốn gần 100.000 đồng để đi đò, xe ôm đến cảng vụ", anh Hải nói.
Anh Hào, thuyền viên tàu QN-4320 cho biết, tuy tàu anh mới sử dụng hình thức nhắn tin vài lần nhưng thấy tiện cả đôi đường.
Ông Phạm Tiến Hòa, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Phả Lại (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, đơn vị đã cấp phép ra, vào cảng bến bằng tin nhắn từ xa cho hơn 100 lượt phương tiện thủy. "Hình thức cấp phép bằng tin nhắn đang trong giai đoạn thí điểm và nhận được sự đồng thuận, góp ý của nhiều chủ phương tiện để hoàn thiện hình thức này", ông Hòa cho biết.
Theo ông Lê Quốc Phong, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hải Phòng (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I), đơn vị đã cấp phép qua hình thức tin nhắn cho hơn 200 phương tiện thủy vào, rời cảng bến thủy nội địa, gồm cả tàu SB vài nghìn tấn đến tàu vài trăm tấn. "Các thuyền viên đang dần thích nghi với phương pháp điện tử này, một phần vì thủ tục được hiện đại hóa và cũng không phải mất công, chi phí di chuyển từ nơi phương tiện neo đậu đến văn phòng cảng vụ", ông Phong nói.
Cùng với Cảng vụ ĐTNĐ Hải Phòng, 6 đại diện cảng vụ khác của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I đều đang áp dụng cấp phép bằng tin nhắn và đến nay đã cấp vào, rời bến cho hơn 2.700 lượt phương tiện thủy.
Tại khu vực phía Nam, ông Cao Tấn Quân, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV cho biết, các đại diện cảng vụ trực thuộc đã cấp phép bằng tin nhắn cho hơn 12.800 lượt phương tiện các loại. "Hình thức cấp phép bằng tin nhắn đã được nhiều doanh nghiệp, chủ phương tiện hưởng ứng tích cực, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được môi trường mới và cũng tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tốt hơn", ông Quân cho biết.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hình thức thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến bằng tin nhắn điện thoại được 4 Cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam triển khai từ tháng 8/2016 và đến nay các đơn vị cảng vụ đã cấp phép cho gần 22.000 lượt phương tiện thủy vào, rời bến bằng tin nhắn.
Như vậy, nếu tính trung bình mỗi lượt phương tiện tiết kiệm được 100.000 đồng chi phí thuê đò, đi lại để làm thủ tục tại văn phòng cảng vụ thì đã tiết kiệm được 2,2 tỷ đồng cho các "nhà tàu". Ý nghĩa đằng sau con số đó còn cho thấy sự chủ động của Cục ĐTNĐ Việt Nam trong việc đổi mới, cải cách hành chính, dịch vụ công để đưa đường thủy nội địa tiếp cận xu thế hiện đại hóa của ngành GTVT và đất nước.
Cũng liên quan đến phương tiện, thuyền viên, ông Đỗ Minh Tiến, Phó phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên (Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết), 19 thủ tục hành chính liên quan đến thuyền viên và phương tiện thủy đã được đưa tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Đồng thời, từ tháng 2 Cục cũng hợp tác với ngành bưu điện triển khai hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục liên quan đến đào tạo, cấp đổi bằng thuyền viên tại nhà thông qua hệ thống bưu điện cấp xã, phường trên toàn quốc. Hiện đã có gần 100 hồ sơ thủ tục được tiếp nhận, trả qua kênh bưu điện, giúp người làm thủ tục nhận kết quả tại nhà.
Thúc đẩy ứng dụng trực tuyến cấp địa phương
Thực tế 2 năm qua cho thấy, Cục ĐTNĐ Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành phục vụ GTVT đường thủy. Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang, trước năm 2015 tất cả các dịch vụ công trực tuyến của cục chỉ đạt mức độ 2, tuy nhiên đến nay 100% dịch vụ công trực tuyến đều đã đạt từ cấp 3 trở lên, trong đó 2 thủ tục đã tham gia trực tuyến mức độ 4 theo cơ chế Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong 5 tháng đầu năm 2017, các đơn vị của cục giải quyết đúng hạn gần 117.000 hồ sơ thủ tục hành chính và không có hồ sơ quá hạn, cũng như không có phản ánh, kiến nghị nào về gây khó khăn trong giải quyết hồ sơ hành chính.
Cục cũng đang thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý đường thủy như lắp camera theo dõi vận tải thủy, đo mực nước, lắp thiết bị giám sát hành trình các phương tiện điều tiết giao thông, tự động cảnh báo từ xa tại công trình cầu vượt sông... Riêng việc cấp phép bằng tin nhắn đang trong giai đoạn thí điểm vẫn còn những hạn chế, sắp tới cục tiếp tục hoàn thiện để ứng dụng này phát huy hiệu quả nhất.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, số lượng các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc Sở chiếm trên 50%, tuy nhiên mới ít địa phương triển khai hình thức trực tuyến. "Hạn chế hiện nay là các Sở GTVT, cảng vụ đường thủy địa phương chưa đồng nhất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, Cục đang nỗ lực để hỗ trợ các địa phương, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đường thủy trên toàn quốc", ông Giang cho biết.
Được biết, trong tháng 4, Cục đã phối hợp với Sở GTVT TP.HCM hoàn thành chuyển giao phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 22 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và triển khai hoạt động chính thức từ 1/5. Hiện, Cục đang phối hợp với Sở GTVT Hà Nội chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tiếp tục chuyển giao phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 áp dụng trên địa bàn Hà Nội.
Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, việc tạo cơ sở dữ liệu thông tin lĩnh vực đường thủy đồng bộ để kết nối toàn ngành có ý nghĩa quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới và nâng chất lượng dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, Cục ĐTNĐ Việt Nam mong Sở GTVT các địa phương sớm phối hợp triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở để kiểm soát tốt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)
Các tin khác
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam