Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Trạm điều tiết giao thông giữa "yết hầu" đường thủy nội địa miền Bắc
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Trạm điều tiết giao thông đường thủy sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) đóng vai trò quan trọng trong điều tiết, bảo đảm an toàn cho các phương tiện đi trên tuyến luồng. Vận hành trạm điều tiết cũng là biết bao khó khăn của những người công nhân quản lý.

Đóng vai trò là quan trọng của giao thông đường thủy nội địa cho cả miền Bắc và khu vực cảng biển Hải Phòng, sông Đào Hạ Lý có chiều dài 3km (từ hạ lưu tới thượng lưu), nối liền 2 sông lớn là sông Cấm và sông Lạch Tray. Sở hữu vị trí quan trọng, tuyến sông luôn là "điểm nóng" về giao thông đường thủy trong khu vực.

Theo đại diện Công ty CP Quản lý đường sông số 8, đây là đoạn sông nhiều khúc cong cua, luồng hẹp, hạn chế tĩnh không cầu, khoang thông thuyền. Điển hình là cầu Quay đường sắt, tĩnh không chỉ 3,2m, chiều rộng khoang thông thuyền chỉ 24m. Cách cầu khoảng 150m có bãi cạn, nếu phương tiện không được hướng dẫn rất dễ đâm vào, mắc cạn.

Để đảm bảo an toàn, tại đoạn luồng này phải quy định các phương tiện thủy chạy một chiều theo giờ. Cụ thể trong khoảng thời gian này, phương tiện sẽ chạy một chiều từ thượng lưu đến hạ lưu, sau đó cấm luồng một thời gian, lại mở luồng chiều ngược lại cho phương tiện từ hạ lưu lên thượng lưu. Để điều tiết, hướng dẫn các phương tiện qua lại an toàn, cơ quan quản lý Nhà nước đã đặt trạm điều tiết tại đây.

Ngót nghét 30 năm công tác tại trạm, ông Ngô Hồng Thắng, Trạm trưởng Trạm điều tiết đường thủy sông Đào Hạ Lý cho biết, trạm có khoảng 50 nhân lực, chia thực hiện nhiệm vụ ở cả hai khu vực. Nếu khu vực thượng lưu, trạm có một trụ sở trên bờ thì tại khu vực hạ lưu, anh em phải "đóng quân" trên pông-tông như một nhà nổi có tàu lai dắt kéo.

Trạm điều tiết tại khu vực thượng lưu sông Đảo Hạ Lý.

Hàng ngày, công nhân quản lý trạm chia làm 3 ca, đi kiểm tra bằng tàu, bằng xuồng. Căn cứ vào lịch điều tiết theo giờ đã được công bố để đóng, mở luồng, họ sẽ đi xuồng, dùng loa hướng dẫn các phương tiện neo đậu, vào, lưu thông trong luồng theo hàng một, đảm bảo an toàn. Đồng thời kiểm tra các điều kiện về mực nước, nhắc nhở các phương tiện các vị trí hạn chế tĩnh không, khoang thông thuyền hoặc các vị trí khan cạn.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ, các công nhân quản lý trạm sẽ phải ghi lại nhật ký phương tiện với đầy đủ các thông tin như đã đi kiểm tra tuyến nào, giờ nào....

Anh Nguyễn Văn Tuấn – thợ máy khẳng định, bên cạnh việc làm công tác chuyên môn theo phân công, công nhân quản lý của trạm đều phải biết hết các chức năng của phương tiện, các công việc từ lái, máy. Trước khi bắt đầu hành trình, họ sẽ phải kiểm tra máy móc để đảm bảo phương tiện hoạt động ổn định, an toàn.  

Theo các công nhân quản lý trạm, khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện hạ tầng đường thủy khu vực nhiều hạn chế. Sông càng ngày càng hẹp do các tổ chức, cá nhân đổ đất cát, đổ thải lấn chiếm, trong khi kích thước, tải trọng phương tiện ngày càng lớn. Nếu năm 1994, tàu to nhất qua đây chỉ 250 tấn thì nay có tàu đến 2.000 tấn, thậm chí đến 6.000 tấn. Điều này gây khó khăn trong việc điều tiết.

Ngoài nhiệm vụ điều tiết phương tiện, các công nhân tại trạm còn phải đảm bảo các hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn báo hiệu hoạt động tốt.

Thực hiện nhiệm vụ tại khu vực hạ lưu trên pông-tông giữa sông nước, cuộc sống và công việc của những người công nhân tại trạm cũng gặp không ít khó khăn.

Trạm điều tiết được trang bị đầy đủ các phòng chức năng như phòng khách, phòng nghỉ ngơi, nhà bếp và khu vệ sinh cho các công nhân sinh hoạt, làm việc.

Do ở giữa sông, không thể dẫn dây điện nên trạm hiện dùng ắc-quy từ hệ thống điện mặt trời. Nhưng theo ông Thắng, năng lượng điện khá yếu nên chỉ dùng thắp sáng đèn báo hiệu và đèn sinh hoạt. Trạm có máy tính để làm việc nhưng điện yếu không thể dùng. Điều hòa cũng nhiều năm nay không còn dùng được.

Mọi sinh hoạt ăn, nghỉ, nấu nướng trên pông-tông của các công nhân quản lý trạm điều tiết khá bí bách, chật chội và gặp nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, anh em làm việc mãi cũng quen. Tất cả vì công việc và việc đảm bảo an toàn cho bà con đi lại trên luồng được an toàn", vị trạm trưởng tâm sự./.

Nguồn Báo Giao thông.

Quay lại